“Bây giờ, anh còn trễ nải làm chi? Hãy chờ dậy, cầu khẩn danh Chúa mà chịu phép báp-têm và làm sạch tội lỗi mình đi” (Công vụ 22:16).
Lời kêu gọi thiết tha của sứ đồ Phao-lô khoảng 2000 năm trước rằng đừng “trễ nải” hoặc khác hơn là đừng nên chần chừ nữa. Trong thời đại chúng ta hôm nay “ngày tận thế” hình như là một sự kiện mà mọi giáo phái đang nói đến. Nhiều người đoán rằng, có thể vào khoảng năm 2000. Nhưng theo Kinh Thánh cho biết: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Ma-thi-ơ 24:36). Thế thì làm sao chúng ta biết mà sẵn sàng hoặc chuẩn bị? Ðó cũng chính là những ý nghĩ của các sứ đồ và họ có hỏi Chúa Giê-su khi ở trên núi Ô-li-ve cùng Ngài. “Ðức Chúa Giê-su đáp rằng: Hãy giữ, kẻo có kẻ dỗ dành các ngươi. Vì nhiều người sẽ mạo danh Ta đến mà nói rằng: Ta là đấng Christ; và sẽ dỗ dành nhiều người. Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc; hãy giữ mình, đừng bối rối; vì những sự ấy phải đến; song chưa là cuối cùng đâu. Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất. Song mọi điều đó chỉ là đầu sự tai hại. Bấy giờ, người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì danh Ta. Khi ấy cũng có nhiều kẻ sẽ sa vào chước cám dỗ, phản nghịch nhau và ghen ghét nhau. Nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên và dỗ dành lắm kẻ. Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều, thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần. Nhưng kẻ nào bền chí cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu. Tin lành nầy về nước Ðức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:4-14). Ðức Chúa Giê-su đã báo trước cho các môn đồ và cho tất cả chúng ta ngày hôm nay những điềm và dấu hiệu để cho chúng ta biết rằng Chúa sắp trở lại. Những biến cố trên đã và đang diễn ra trong xã hội hôm nay. Chúa còn phán thêm: “Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:42). Ðể nhấn mạnh hơn sự nghiêm trọng nầy, “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, dòng dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến. Trời đất sẽ qua, nhưng lời Ta nói sẽ chẳng bao giờ qua đi” (Ma-thi-ơ 24:34-35). Thế cho nên trong Mác 13:37 “Ðiều mà Ta nói cùng các ngươi, Ta cũng nói cho mọi người: Hãy tỉnh thức!”
Trong cuộc sống nơi xứ lạ, chúng ta dường như quá bận rộn, tâm trí không lúc nào thảnh thơi, nhiều xa hoa, cám dỗ. Cũng có nhiều người nói rằng, chừng nào tôi thấy Chúa tôi mới tin, hoặc Chúa làm phép lạ gì đó trong cuộc đời tôi. Tôi sống một cuộc đời lương thiện không hại ai, hoặc những gì chúng tôi có là do công sức tôi tạo ra .v.v… Ngày xưa trong thời Chúa Giê-su đi giảng đạo, các môn đồ, dân chúng chính mắt thấy Chúa làm phép lạ, giảng dạy trong đền thờ và ngay cả những thầy thông giáo, người Pha-ri-si là những người rất thông hiểu Kinh Thánh cũng như luật pháp, nhưng luôn nghi ngờ Chúa và tìm nhiều cách thử Ngài. Họ đòi hỏi Chúa phải làm nhiều phép lạ hơn nữa để xem Ngài có phải chính là Con Ðức Chúa Trời hay không. Sự cứng lòng, tự phụ đã làm cho họ mờ mắt.
Chúng ta ngày nay thì sao? Có khác hơn không?
Vào một buổi sáng đẹp trời, quí vị hãy để tâm hồn mình lắng đọng, bỏ qua những lo lắng và bận rộn sẽ nghe và thấy được tiếng Chúa phán qua sự sáng chói lọi của mặt trời, tiếng chim ca hát. Nếu nhà quí vị có một khu vườn nho nhỏ thì hãy để ý xem sự nẩy nở và lớn lên của những hạt giống nhỏ bé đã trở thành những cây trái tốt tươi. Sự hình thành kỳ diệu của cơ thể chúng ta, nhịp đập của trái tim, đó chính là phép lạ Chúa ban cho chúng ta hằng ngày. Hãy thử tưởng tượng nếu Chúa cất đi bầu không khí chung quanh trong vòng một giờ thì thế giới sẽ ra sao?
“Hãy kính sợ Ðức Chúa Trời, và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến; hãy thờ thượng Ðấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước” (Khải huyền 14:7).
Anh đừng trễ nải làm chi, chúng ta sẽ mất đi phần ân điển mà Chúa sẽ dành và sắm sẵn cho chúng ta. Hãy chờ dậy mời Chúa vào lòng khi nghe tiếng Ngài phán vì: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (II Phi-e-rơ 3:9). Lạy Chúa! Con kính tạ ơn Ngài, sự yêu thương và lòng rộng lượng, sự tha thứ vô bờ bến của Ngài. A-men.
-Nguyễn-