Cô Hằng trông thấy Bà Tín mang một bình hoa to vào nhà thờ, bèn đến gần
hỏi:
— Bác ơi bác, bác mua hoa ở đâu mà đẹp quá vậy bác?
— Hoa tôi trồng chớ mua ở đâu. Tôi trồng nhiều lắm, được bao nhiêu mang dâng nhà thờ hết.
Bà Võ Tín và Cô Hằng thủa xưa ở cùng xóm, gần nhà thờ Phú Nhuận, Sài Gòn. Bà Tín là ái nữ của Cụ Ông và Bà Lê Trung, chủ tiệm bán hàng xén ngoài mặt đường; còn Cô Hằng là con gái Ông Bà Lý Bá Hồi, nhà ở phía trong xóm. Sau ba mươi mấy năm xa cách, nay gặp lại người quen, Bà Tín thổ lộ:
— Trước kia mẹ tôi bảo tôi đi nhà thờ, tôi không đi… nghĩ lại tôi hối hận lắm!
Tục ngữ có câu: ăn năn đã muộn; Kinh Thánh có đoạn: ăn năn không muộn (Công vụ Các Sứ-đồ 2:37, 38; 3:19). A n năn là một trong những giáo lý căn bản áp dụng vào đời sống thuộc linh (Hê-bơ-rơ 6:1,2). Vì nếu không ăn năn thì không được tha thứ, không được cứu rỗi, và như thế, không thể có đời sống vĩnh viễn được.
Nhân dịp lễ Tết Ðinh Sửu, Bà Tín gói bao nhiêu là bánh ú, bao nhiêu là bánh chưng, đem vô phòng ăn thông công, lăng xăng mời mọc người này người nọ.
— Bây giờ có thứ chi, tôi mang vô nhà thờ hết.
Gặp được những người biết thưởng thức các món ăn mà mình đã gói ghém với tất cả tấm lòng, Bà Tín bèn hàn huyên tâm sự:
— Chúa thương tôi lắm. Lúc trước mắt tôi lèm nhèm, sau khi tôi đi mổ xong, trông thấy rõ ràng— mừng quá!
“Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ, hay là dòng dõi người đi ăn mày. Hằng ngày người thương xót, và cho mượn; dòng dõi người được phước” (Thi thiên 37:25, 26).
Cũng như chồng, Bà Tín rất thích đi nhà thờ. Mỗi khi có lễ tiệc trong nhà Chúa, Ông Bà đều có mặt.
— Thấy người ta lên trên tòa giảng, tôi cũng muốn lên làm chứng cho Chúa, nhưng tôi sợ lên rồi tôi khóc!
Bà Tín vừa nói vừa lấy tay chùi nước mắt.
Ðào Thanh Khiết