Sức KhỏeTùy Bút

Tình Trạng Căng Thẳng

Vào năm 1991, tôi làm việc cho hãng điện tử Bell Atlantic Healthcare Systems tại San Mateo, thuộc tiểu bang California. Có những tuần lễ cả hãng phải làm sáng sớm đến tối khuya để thiết kế một cái máy đặc biệt cho bệnh viện. Một ngày nọ tôi đi làm sớm, không kịp ăn điểm tâm.

Vào sở tôi uống mấy ly cà phê và ăn vài cái bánh donut. Vài tiếng đồng hồ sau tay chân tôi run rẩy, tim đập nhanh, và tinh thần kiệt quệ. Có bao giờ bạn bực tức trong sở làm, hay là có những đêm cảm thấy cô đơn, hay phải đối phó với những khẩn trương của cuộc sống hiện đại?
Theo American Stress Institute, gần 80% công dân Hoa Kỳ cảm thấy công việc của mình căng thẳng. Thống kê do American Psychological Association cho biết: 75% đến 90% bệnh nhân đến phòng mạch bác sĩ liên quan đến tinh thần căng thẳng, và các bệnh nầy đã tiêu hao hơn $300 tỉ mỹ kim mỗi năm.
Căng thẳng là trạng thái gây ra bởi sự lo lắng, đau khổ tinh thần hay thể xác, hoàn cảnh khó khăn. Sự căng thẳng quá độ có thể đưa đến bệnh hoạn. Bác sĩ Michael Clark tại bệnh viện John Hopkins cho biết những triệu chứng của tình trạng căng thẳng có thể xảy ra là: giấc ngủ bất thường, ăn không thấy ngon miệng, bao tử khó chịu, tim đập nhanh, cơ thể run rẩy, v.v. Còn về tinh thần thì có tám cảm xúc tai hại:

(1) lo lắng (2) sợ hãi (3) giận hờn (4) ganh tị (5) cô đơn (6) đau buồn (7) chán nản (8) mặc cảm.
Tuy rằng chúng ta không thể hoàn toàn ngăn ngừa căng thẳng, nhưng chúng ta có thể giúp cho cơ thể phản ứng tích cực để giữ thái độ quân bình, như tập thể dục, ăn uống bổ dưỡng, và có một đức tin bền vững. Kinh Thánh chép, “Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay” (Châm ngôn 17:22). Chúa nhắc nhở chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nên thỏa lòng.
Hơn ba năm Đức Chúa Giê-su đi trên mặt đất và dạy cho loài người tìm sự cứu rỗi. Cuối cuộc hành trình, Ngài tạm biệt môn đồ để về trời thì môn đồ đau buồn vì không ai dạy họ nữa, không ai chữa bệnh nữa, không ai lo “cơm ăn áo mặc” cho họ. Chúa khuyên nhủ họ, “Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa.” Chúa hứa rằng, “Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta” (Giăng 14:1-3). Ngày xưa Chúa đã an ủi môn đồ của Ngài, và ngày nay Ngài cũng an ủi chúng ta.
Có một người cha đưa con gái bốn tuổi của mình đi bác sĩ để chích thuốc. Khi đứa bé thấy bác sĩ đưa mũi kim vào đằng sau mình, khuôn mặt đứa bé sợ hãi. Mũi kim mà bác sĩ cầm, bé nhìn thấy thật to lớn và dài nhọn. Lúc ấy đứa bé nhìn vào cha bên cạnh, cha liền cầm chặt tay bé và cập mắt cha nhìn chăm chú vào đứa bé. Sự tin cậy và bình tĩnh biểu lộ trên khuôn mặt đứa bé. Bé biết là bé không phải ở một mình. Vì sự hiện diện của cha nên bé tìm thấy sự an ủi.
Khi tinh thần chúng ta căng thẳng, lo lắng, hay đau buồn, Chúa giống như là một người cha ở gần bên cạnh để an ủi con. Mỗi lần bạn căng thẳng hãy nhớ Chúa ở bên cạnh. Chúa hứa, “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button