Bàn Đức Công, người đời Hán, tính điềm đạm, ở ẩn trên núi Hiện San, không mấy khi bước chân tới chốn tỉnh thành. Hai vợ chồng ở nhà chăm chỉ làm ăn và thường kính nhau như khách vậy. Quan thứ sử Kinh Châu là Lưu Biểu nghe danh, định rước về giúp việc mới đến viếng Bàn Đức Công. Bàn Công đang cày dưới ruộng, bỏ cày lên bờ nói chuyện, còn vợ con vẫn cứ ở dưới đồng.
Lưu Biểu thấy thế, hỏi rằng:
— Sao tiên sinh khổ thân cày cuốc, chẳng chịu kiếm chút quan lộc [lương bổng của một chức quan], sau nầy lấy gì để lại cho con cháu?
Bàn Công nói:
— Người đời thường lấy “nguy” [không an] để cho con cháu, duy tôi chỉ lấy “an” để cho con cháu mà thôi. Cách để lại cho con cháu, tuy khác nhau, nhưng thực thì đàng nào cũng gọi là để cả.
Thói thường ở đời ai nấy lo để lại cho con cháu, đều theo như lời của Lưu Biểu, chỉ cốt lo sao cho chúng có chút danh phận, tài sản tưởng đã là mãn nguyện. Nhưng quan càng to, của càng nhiều thì nguy càng lắm. Những kẻ ganh tị, những phường trộm cướp hay dòm ngó những người có chức phận, giàu sang phú quý. Chi bằng như Bàn Công, chỉ lo dạy cho con cháu có nghề nghiệp, biết giữ phận, cố tiến thủ, thế cũng yên vui sung sướng rồi.
Toại nguyện thỏa lòng là điều rất quý báu. Nhiều kẻ có xe hơi, nhà lầu, tiền bạc dư dật, nhưng vẫn chưa thỏa mãn. Có nhiều của cải để làm gì nếu chúng ta không thỏa lòng? Sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:11-13). Sứ đồ có thể nói như vậy vì người biết lẽ thật. “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33). Mặc dầu bị đắm thuyền, bị câm tù, bị đánh đập, ông vẫn biết Chúa luôn ở cùng ông. Khi chúng ta tin cậy vào Chúa để giải đáp những nhu cầu của chúng ta, chúng ta sẽ thật sự toại nguyện.
Con người ai cũng muốn có hạnh phúc. Thi sĩ Pháp, Paul Éluard, viết: “Phải tìm hạnh phúc và đừng tìm gì khác nữa hết.” Theo hạnh phúc chủ nghĩa, hạnh phúc là cái chí thiện trong luân lý, cái lý tưởng trong đạo đức. Như vậy, làm sao chúng ta tìm được hạnh phúc? Chỉ có Chúa Giê-su mới ban cho chúng ta bình an, hạnh phúc thật sự. “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi”(Giăng 14:27).
Đào Thanh Khiết
0 229 2 minutes read