Phụ Bản Nguồn Sống
Số 35 – Tháng Năm – May 1999
Nguyễn Huỳnh
Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại y phục cá biệt; khi nhìn cách phục sức của họ, chúng ta nhận biết họ thuộc quốc gia nào. Người Nhật Bản có chiếc áo Kimono, người Trung Hoa đời Mãn Thanh có chiếc áo Thượng Hải mà quí bà quí cô thường gọi là áo “xường-xám”, người Đại Hàn, người Phi, người Thái v.v… Còn người Việt Nam, chúng ta hảnh diện về chiếc áo dài, được trang trọng nâng lên ngôi vị quốc phục, cũng có người gọi một cách hoa mỹ hơn: “chiếc áo dài quê hương”.
Không ai biết chắc là chiếc áo dài Việt Nam ra đời từ bao giờ, chiếc áo nguyên thủy xem ra sao. Dân tộc Việt có một chiều dài lịch sử trên bốn ngàn năm theo như sử sách đã ghi, trong đó có một ngàn năm bị Bắc thuộc. Một dân tộc mà bị dân tộc khác đô hộ trên ngàn năm quả là quá lâu. Bao nhiêu tài sản của quốc gia, sử sách quí giá, tài liệu về lịch sử v.v… đã bị cướp đi hoặc tiêu hủy hết. Mục đích của kẻ thống trị là triệt tiêu nền văn hóa của ta để đồng hóa. Sử gia Đào Duy Anh chép: “Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo gài về bên tả (tả nhiệm). Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu. Theo những lời sách chép đó thì ta có thể đoán rằng trước hồi Bắc thuộc thì dân ta gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải” (Việt Nam Văn Hóa Sử, Đào Duy Anh, trang 172). Mặc dầu cuộc sống chung đụng và bắt chước theo người Tàu, nhưng tổ tiên ta vẫn khôn khéo duy trì nét đặc thù của nền văn hóa dân tộc.
Khi một dân tộc đã đánh mất kiểu trang phục, mất ngôn ngữ, mất chữ viết, mất lịch sử của mình, dân tộc đó đã bị vong bản. Điển hình chúng ta thấy khi Christopher Columbus khám phá ra Tân Thế giới và Châu Mỹ La tinh vào thế kỷ thứ 15, các quốc gia vùng Caribean đều bị thống trị bởi Tây Ban Nha. Chỉ trong một thời gian mấy trăm năm, các dân tộc bị trị đã bị mất hẳn nền văn hóa của họ. Một số lớn quốc gia bị mất hẳn ngôn ngữ, không còn biết nguồn gốc của dân tộc. Gần như hầu hết các quốc gia vùng Nam Mỹ và Caribean chỉ nói rành một ngôn ngữ duy nhứt của kẻ thống trị là Tây Ban Nha, mà chúng ta thường dùng một từ rất gọn là “Xì”.
Chiếc áo dài Việt Nam chắc chắn cũng đã thay hình đổi dạng theo với trào lưu tiến hóa và sự trường tồn của dân tộc. Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục”. Có lẽ vào thời xưa đàn bà Việt Nam mặc áo thắt vạt và mặc váy. Ta đọc đoạn sử sau đây: “Đến đời Minh Mệnh có lệnh cho đàn bà đường ngoài phải mặc quần, nhưng chỉ những người giàu sang ở thành thị tuân theo, chứ ở nhà quê thì đến nay đàn bà cũng vẫn mặc váy” (Việt Nam Văn Hóa Sử, Đào Duy Anh, trang 173).
Mặc dầu bị đô hộ lâu dài, nhưng tổ tiên ta vẫn khôn khéo duy trì một xã hội có kỷ cương, tôn ti trật tự. Cứ nhìn vào trang phục và màu sắc để phân biệt giai tầng trong xã hội. Sách Vũ Trung Tùy Bút chép: “Đời xưa học trò và người thường, khi có việc công thì mặc áo xanh lam (thanh cát), lúc thường thì mặc áo mùi thâm (chuy y), người làm lụng thì mặc áo mùi sừng (quì sắc). Từ đời Lê về sau thì sắc trắng ít dùng. Cứ trạng thái y phục gần nhất của người nước ta thì các quan hay mặc áo xanh lam, học trò cùng những chức viên tổng lý và hạ lại thường dùng mùi sừng và mùi đen; người nhà quê và người làm lụng thì thường dùng mùi nâu. Người giàu sang thì mặc the lụa gấm vóc, còn người nghèo hèn thì chỉ dùng vải to… vua quan thì có phẩm phục, quân lính thì có nhung phục, thường dân thì có lễ phục”.
Trong Việt Nam Sử Lược, học giả Trần Trọng Kim viết: “Vua Lê Lợi, ngày ấy dấy quân khởi nghĩa chống giặc Tàu ở đất Lam Sơn. Ngài dùng chiếc áo màu lam là màu áo biểu tượng để kháng giặc”. Vì thế vua Lê Lợi được mệnh danh là “Anh hùng áo vải Lam Sơn”.
Qua các đoạn sử vừa trích dẫn ở trên, ta thấy y phục là một biểu tượng của quốc gia dân tộc. Trải qua bao biến thiên của đất nước, chiếc áo dài cũng đã được cải tiến. Vào khoảng thập niên 1930, nhóm văn sĩ trong Tự Lực Văn Đoàn đã chủ xướng cuộc cải cách văn hóa, tư tưởng mới cho thế hệ trẻ. Trong nhóm này có hai họa sị du học từ Pháp về, đó là các ông Nguyễn Cát Tường và Lê Phổ. Dùng hai tờ báo Ngày Nay và Phong Hóa làm phương tiện truyền bá của nhóm. Hai họa sĩ đã vẽ và chỉnh trang kiểu áo dài phục nữ gọi là áo “Le Mur Cát Tường” cổ cao, không có eo. Ông Nguyễn Cát Tường viết trong tờ Phong Hóa, có đoạn: “Muốn biết nước nào có tiến bộ, có kỷ thuật hay không? cứ xem y phục người nước của họ, ta cũng đủ hiểu” (Phong-Hóa số 86, tháng 2-1934).
Một nhân vật nữ khác không thể không nhắc đến, đó là bà Trịnh Thục Oanh, một hiệu trưởng của trường nữ Trung học Hà Nội, đã làm thêm một cuộc cải cách táo bạo hơn, bà nhấn eo chiếc áo, làm tăng thêm đường nét mỹ miều duyên dáng trên thân thể…
Đến ngày nay, chiếc áo dài của quí bà quí cô là một tác phẩm mỹ thuật tuyệt vời. Nó đã trở thành một thứ y phục độc đáo của phụ nữ Việt Nam. Tại cuộc hội chợ quốc tế Osaka, năm 1970 tại Nhật Bản, chiếc áo dài phục nữ Việt Nam đã lên ngôi và đem lại vinh dự cho phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa. Khách quốc tế trầm trồ thán phục trước các vạt áo lã lơi như cánh bướm trước gió. Khách bình phẩm:
— Hơi mỏng!
— Nhưng rất kín đáo, đủ sức che mắt thánh!
Nhiếp ảnh gia quốc tế của Việt Nam Nguyễn Cao Đàm cũng đã hănh diện về hấp lực của chiếc áo dài Việt Nam tại hội trợ, nên có nhận xét:
— Nó có sức chở gió đi theo.
Những lời nhận xét trên không có gì quá đáng. Chiếc áo dài Việt Nam chỉ thích hợp cho thân hình kiều diễm, mảnh mai của phụ nữ Việt Nam. Nó vừa kín đáo, vừa e ấp, vừa khêu gợi; nó khai thác được đường nét tuyệt mỹ của thân thể. Thi sĩ Xuân Diệu thú nhận:
Những tà áo lụa mong manh ấy,
Đã gói hồn tôi suốt trọn đời.
Chiếc áo dài hiển nhiên là một loại “quốc phục”. Khách khứa đến thăm, chủ nhà trịnh trọng bận chiếc áo dài như là một chiếc áo lễ để tiếp khách. Tại học đường nó là chiếc áo học trò ngây thơ, tung tăng như cánh bướm, gói trọn mộng đẹp của tương lai. Một chiếc khăn vành có tác dụng như một “vương miện”, thêm vào chiếc áo choàng bên ngoài, sẽ trở thành bộ y phục “hoàng hậu” cho cô dâu khi bước lên xe hoa. Trong buổi dạ tiệc, chiếc áo dài Việt Nam cũng sẽ lộng lẫy không thua bất kỳ bộ áo dạ tiệc nào khác trên thế giới.
Tại miền quê Quảng Nam, những người buôn thúng bán bưng, mặc dầu nghèo khổ, cũng rán bận chiếc áo dài khi ra chợ. Nếu áo rách, sờn vai, thì chắp vào chỗ rách một phần vải mới, gọi là áo “vá quàng”. Dầu là áo rách, áo vá quàng, vẫn tăng giá trị:
Đố ai kiếm được cái vảy con cá trê vàng,
Cái gan con tép bạc, mấy ngàn tôi cũng mua.
Chẳng thương cái cổ em có hột xoàn,
Thương em mặc chiếc áo vá quàng năm thân.
Áo may cái thuở anh mới thương nàng,
Đến nay áo rách lại vá quàng thay tay.
Ca Dao
Chiếc áo dài, một đề tài phong phú để dành cho các thi sẽ dệt thơ. Trong bài “Áo Trắng” Huy Cận viết:
Áo tráng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng,
Nở bừng ánh sáng, em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.
….
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.
….
Dịu dàng áo trắng trong như suối,
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay.
Huy Cận
Thi sĩ Đông Hồ cũng đã tình nguyện bán thơ mình để “Mua Áo” cho cô gái xuân, lời thơ nhẹ nhàng phơi phới yêu đương, có chiều lã lơi mà trong sạch, nũng nịu đến dễ thương:
“Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,
Em đâu còn áo mặc đi chơi.
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ.
Đành gởi anh mua chiếc áo thôi.
Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng, em đã dặn rồi.
Còn thước tấc, quên! Em chưa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?
Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!”
Đông Hồ (Cô Gái Xuân)
Thi sĩ Phan Long cũng trải hồn mình qua bài cảm tác “Chiếc Áo Dài Tà Áo Quê Hương” sau đây:
Em yêu mến chiếc áo dài,
Thướt tha duyên dáng đẹp hoài thời gian.
Ngài xuân nắng trải tơ vàng,
Khoe tà áo mới ngập tràn tuổi thơ.
Lớn theo lứa tuổi học trò,
Tình che vạt trước gió lùa vạt sau.
Những ngày đẹp mãi bên nhau,
Vạt vui in dấu vạt sầu còn vương.
Đẹp sao tà áo quê hương,
Áo dài màu trắng nhớ thương năm nào.
Phan Long
Cái tài tình của chiếc áo dài Việt Nam qua cách cấu trúc chẳng những là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, nhưng bên trong còn ẩn tàng ý nghĩa dạy dỗ về đạo làm người. Dân tộc Việt Nam phải phấn đấu không ngừng chống nạn ngoại xâm để trường tồn, và bảo vệ những giá trị truyền thống về văn hóa, kỷ cương gia đình. Dầu muốn hay không thì dân tộc ta, cũng như các dân tộc Á Châu khác đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của Tam Giáo và học thuyết Khổng Mạnh. Gia đình, xã hội được xây dựng trên nền tảng tam cương, ngũ thường. Tổ tiên của ta răn dạy con cháu thật chặt chẽ về đạo làm người, chẳng những trên sách vở, mà còn phải luôn luôn mang nó theo trên người. Phải chăng đây là sự dạy dỗ sâu sắc, khéo léo của tiền nhân? Nếu quả đúng như vậy thì chiếc áo dài Việt Nam là cái gia phả vô cùng quí giá, ẩn tàng sự dạy dỗ con cháu về đạo làm người. Ta thử xem cách cấu trúc của chiếc áo dài xưa:
- Phía trước có hai tà (hay hai vạt), phía sau hai tà, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng, cha mẹ vợ).
- Một vạt cụt, hay vạt chéo phía trước có tác dụng như một cái yếm che ngực, nằm phía bên trong hai vạt lớn, tượng trưng cho cha mẹ ôm ấp đứa con vào lòng.
- Năm hột nút nằm cân xứng trên năm vị trí cố định, giữ cho chiếc áo được ngay thẳng, kín đáo, tượng trưng cho năm đạo làm người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
- Trong chiếc áo tứ thân, người ta thường buộc hai vạt trước lại với nhau để giữ cho chiếc áo cân đối, tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng âu yếm, quấn quít bên nhau.
Kẻ viết bài này với sự hiểu biết nông cạn, không dám đi quá giới hạn kiến thức hạn hẹp của mình, chỉ xin mượn lời người xưa, các bậc thánh nhân, hiền giả để giải bày các đạo làm người sau đây.
NHÂN:
Đem tình đồng loại mà cư xử với nhau, theo tinh thần dĩ đức báo đức, dĩ trực báo oán.
Chữ Nhân ____ có chữ nhân _____ là người và chữ nhị _____ hợp lại là một chữ hội ý; nghĩa là nói cái thể và cái đức chung của mọi người đều có với nhau như một. Chữ nhị ____ có 2 vạch ngang, vạch trên là trời, vạch dưới là đất. Chữ nhân là người đứng bên chữ nhị, nghĩa là người đứng trong trời đất thì phải biết thương yêu nhau. Nhân ái: lòng thương người; Nhan tử hỏi thế nào là nhân, Khổng tử nói rằng: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân”. Nghĩa là sửa mình trở lại theo lễ là nhân. Chữ nhân thường đi chung với chữ Ái.
Nhân là hành động của người ta phải hợp với lẽ trời, chí công, và bỏ hết tư ý, khiến cho đối với người cũng như đối với mình, lúc nào cũng kính cẩn và thân ái như một vậy.
Vậy nên chữ Nhân làm cả cái ý của chữ Ái. Vì có Nhân mới có Ái, có Ái mới có lòng thương người, yêu vật, muốn cho vạn vật bao giờ cũng có cái khoái lạc mà sống ở đời. “Bởi có lòng Nhân cho nên người ta mới hợp quần với nhau, mới có lòng Bác Ái, mới coi nhau như anh em, xem cả đoàn thể như một người, cả vũ trụ như nhất thể. Đã như một người thì hễ có chỗ nào đau là cả người thấy khó chịu. Cũng bởi nghĩa ấy mà sách thuốc Đông Y gọi bệnh tê là “Ma Mộc Bất Nhân”. Vì người có bệnh tê thì trong thân thể đau đâu cũng không biết. Người Bất Nhân ở trong xã hội cũng như người có bệnh tê vậy, ai đau khổ thế nào, ai bị tai nạn làm sao, cũng dửng dưng không hề cảm động chút nào”. (Nho Giáo, Trần Trọng Kim, trang 83). Người có lòng nhân, tự mình có cái trực giác sáng láng. Ở trong bụng thì an lặng, trầm tĩnh, mà ứng ra ngoài thì việc gì cũng thích hợp với thiên lý, chí công, chí thiện, cho nên lòng bao giờ cũng an. “Còn người bất nhân thì hay vị tư tâm, tư trí, làm cho lòng mờ tối, mất cái trực giác, rồi cứ miễn cưỡng tìm cách làm những điều tàn ác, trái với đạo Trời, cho nên trong lòng không lúc nào an được”. (Nho Giáo, Trần Trong Kim).
Trong Cơ Đốc giáo, đức nhân ái của Trời thể hiện trong kinh Giăng 3:16: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy thì không bị hư mất, mà được sự sống đời đời”. Không có đức nhân ái, hay tình yêu thương nào lớn hơn là sự hy sinh mạng sống cho tha nhân. Trong sử Việt có chép ông Lê Lai vì đại nghĩa đã liều mình giả dạng để chết thế cho Lê Lợi. Ông Nguyễn Áng liều chết xông vào đánh cọp để cứu mẹ, vì sự yêu thương của bản năng huyết thống. Lời Thượng Đế khải thị qua Thánh Giăng: “Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:12-13). Đức nhân ái vượt ra ngoài sự vị kỷ. Chúa Giê-su phán: “Việc gì không muốn làm cho mình, thì đừng làm cho người khác”. Trọng Cung hỏi về nhân ái, vị Vạn thế sư biểu đáp: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Điều gì mình không muốn ai làm cho mình, đừng làm điều đó cho kẻ khác.
NGHĨA:
Nghĩa là giữ tròn bổn phận của mình, dầu cho đối tượng có đi theo điều trái nghịch mình cũng giữ theo đạo làm người.
Trong Hán Việt Tự điển, Thanh Nghị giải thích chữ Nghĩa là: Đạo phải, việc theo đường lối phải. Trong Tự điển Hán Việt, Nguyễn Văn Khôn cũng định nghĩa giống nhau: Nghĩa là việc theo đường lối phải, Đạo phải, Đạo chính, việc nên làm, Hào hiệp.
Ý của chữ Nghĩa thật là rộng lớn: Nghĩa nhân, Nghĩa lý, Chính Nghĩa, Công Nghĩa, Bất Nghĩa, Nghĩa vụ, Lễ Nghĩa, v.v…
Theo các định nghĩa trên thì “Nghĩa” là đạo lý của con người. Đạo là con đường, theo Đạo chẳng qua là đi theo con Đường, con Đường dẫn đến sự công nghĩa: đạo hiếu, đạo làm con, đạo làm người, đạo thờ trời, đạo Chúa, đạo Phật, đạo Khổng v.v…. Theo đạo không phải là đi theo nhà thờ như nhiều người nói: theo đạo nhà Thờ, đạo Chùa! Theo Đạo Phật là đi theo Con Đường mà Đức Thích-Ca đã lập ra cho chúng sinh. Theo Đạo Cơ Đốc tức là đi theo Con Đường mà Đấng Cơ Đốc tức là Chúa Giê-su đã vạch. Vì Chúa Giê-su phán: “Ta là Đường Đi, Lẽ Thật, và sự Sống, chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Trời” (Giăng 14:6).
Vậy, ta theo Đạo là theo con Đường công nghĩa. “Đường của người công bình là ngay thẳng, Chúa là Đấng ngay thẳng, ban bằng đường của người công bình” (Ê-sai 26:7).
Vị Vạn Thế sư biểu nói trong Kinh Thi: “Đường to lớn bằng phẳng như hòn đá mài, ngay thẳng như mũi tên: cái đường mà người quân tử thường bước đi trên ấy, chính là cái đường mà tiểu nhân nom vào.”
Ở đây ta liên tưởng đến lời dạy của Chúa Giê-su trong sách Ma-thi-ơ 7:13-14. “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít”.
Vậy ta theo Đạo là đi theo con Đường công nghĩa, đường chật, đôi khi khó đi, nhiều kẻ đã thối lui. Nhưng chính con đường công nghĩa dẫn đến sự sống.
Đạo Cơ Đốc nói rất nhiều đến Nghĩa, tức là Đạo phải, Đường chính theo như định nghĩa trong Tự điển, tức là đường của Trời định, Thiên Đạo. Các triết gia Hán nho như Đổng Trọng Thư nói rằng: “Trời là tổ muôn vật, cho nên che chở bao bọc khắp nơi, thánh vương theo Trời mà lập Đạo, cũng phổ ái mà không thiên tư, Mùa Xuân là mùa sinh muôn vật của Trời… mùa Hạ là mùa trưởng thành muôn vật của Trời,… sương lạnh là Trời dùng để túc sái muôn vật. Xem thế thì Đạo Trời và người là cái Đạo của cổ kim vậy”. Đổng Trọng Thư nói tiếp: “Người ta sinh ra là gốc ở Trời, Trời là tổ của người. Cha là Trời của con, Trời là Trời của Cha. Trời là tổ của vạn vật, vạn vật không có Trời không sinh…”. Chữ Nghĩa đi chung với chữ Lợi, Đổng Trọng Thư nói: “Trời sinh ra người, khiến người sống ở cái Nghĩa và cái lợi, Lợi để nuôi thân thể, nghĩa để nuôi cái tâm. Tâm không có nghĩa, không thể vui được; thân thể không có lợi, không yên được. Nghĩa là cái nuôi của tâm, lợi là cái nuôi của thân thể… Cái Nghĩa nuôi người ta sống hơn cái lợi”. (Nho Giáo, Trần Trọng Kim, trang 31, 44). Xem thế thì cái Nghĩa thật là rộng lớn và đáng phải theo.
LỄ:
Luôn luôn lịch sự đối với mọi người, không chê bai, xỏ xiên, dè bỉu hầu kính trọng nhân vị mọi người.
Chữ Lễ trước tiên chỉ dùng để nói những điều thuộc về tín ngưỡng. Sau dùng rộng ra, nói gồm cả những qui củ mà phong tục và tập quán của xã hội đã thừa nhận như: Quan, hôn, triều, sính, tang, tế, tân, chủ, hương ẩm tửu, quân lử. Sau cùng chữ Lễ lại có cái nghĩa thật rộng gồm cả cái quyền bính của nhà vua, và cách tiết chế công việc làm của dân chúng. Cho nên Không tử bảo Thầy Nhan Uyên là một người hiểu đạo nhân hơn mọi rằng: “Đạo đức nhân nghĩa, phi Lễ bất thành; giáo huấn chính tục, phi Lễ bất bị; phân tranh biện tụng, phi Lễ bất quyết; quân thần, thượng hạ, phụ tử, huynh đệ, phi Lễ bất định; hoạn học, sự sư, phi Lễ bất thân, ban triều, trị quân, lị quan, hành pháp, phi Lễ uy nghiêm bất hành; đảo từ, tế tự…, phi Lễ bất thành bất trang. Thị dĩ quân tử cung kính hổn tiết, thoái thượng dĩ minh”. Đạo đức nhân nghĩa, không có lễ không thành; xử việc phân tranh, kiện tụng, không có Lễ không quyết; vua tôi, trên dưới, cha con, anh em, không có lễ không định; học làm quan, thờ thầy, không có Lễ không thân; xếp đặt thứ vị trong triều, cai trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh, không có Lễ không uy nghiêm; cầu khẩn, tế tự, không có Lễ không cung kính. Cho nên, người quân tử dung mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái thượng để làm sáng rõ chữ Lễ. (Nho Giáo, Trần Trọng Kim).
Nghĩa của chữ Lễ rất tinh vi, sự giáo hóa của Lễ rất cơ mầu, ngăn cấm điều bậy ngay lúc chưa xảy ra, khiến con người đến gần điều thiện, tránh xa điều tội mà tự mình không biết. Vì thế cho nên thánh nhân rất chuộng điều Lễ. Lễ là ngăn cấm sự loạn sinh ra, như con đê ngăn cản nước vậy. Người giàu sang biết Lễ thì không dâm tàn, không kiêu căng; người nghèo khó biết Lễ thì không nản chí, không làm bậy. Người làm vua, làm tổng thống mà biết Lễ mới biết cách trị nước, yên dân. Sách Trung quốc Triết học sử nói rằng: Trong cái nghĩa rộng của chữ Lễ có hàm cái tính chất pháp luật, nhưng Lễ thì thiên trọng về cái qui củ, tích cực; mà pháp luật thì thiên trọng về cái cấm chế tiêu cực. Lễ thì dạy người những điều nên làm và những điều không nên làm. Còn pháp luật thì cấm, hễ làm thì bị tội. Người làm điều trái Lễ thì chỉ bị người đời chê cười, còn người làm trái pháp luật thì bị hình pháp xét xử.
Theo Tuân tử Lễ có 3 gốc: “Trời là cái gốc của sự sinh, Tổ tiên là cái gốc của chủng loại, Vua và Thầy là cái gốc của sự trị. Không có Trời thì ở đâu mà sinh, không có tổ tiên thì ở đâu mà ra, không có vua có thầy thì lấy đâu mà trị. Ba điều ấy mà thiếu đi một, là người ta không yên được. Cho nên, trên thờ Trời, tôn tổ tiên, trọng vua và thầy, ấy là cái gốc của Lễ” (Nho Giáo, Trần Trọng Kim, trang 315, 316).
Tuân tử giải nghĩa thêm: “Lễ đối với kẻ quí thì kính, đối với kẻ già thì hiếu thảo, đối với kẻ lớn thì thuận, đối với người trẻ thì thiện, đối với người nghèo thì có ân huệ”.
Đối với quốc gia, xã hội, Tuân tử nói: “Trọng Lễ, quí Nghĩa thì nước trị, xem thường Lễ Nghĩa thì nước loạn”.
Lễ đối với việc quốc gia như một quả cân và cán cân, như sợi dây đo đối với đường thẳng đường cong. Cho nên người mà không có Lễ thì không sinh, việc mà không có Lễ thì không nên, quốc gia mà không có Lễ thì nước không yên. Sách Nghị binh có ghi rằng: “Lễ là cái cùng cực của sự trị, cái gốc của sự làm cho nước mạnh, cái đạo của sự uy hành, cái cốt yếu của công danh. Người cầm quyền mà thiếu Lễ thì hỏng xã tắc. Cho nên, áo giáp bền, ngọn giáo nhọn không đủ để thắng trận, thành cao hào sâu không đủ lấy làm bền vững, lệnh nghiêm hình nhiều không đủ lấy làm uy. Dùng lễ thì việc gì cũng thi hành được, không dùng lễ thì việc gì cũng bỏ cả” (Nghị binh, XV, Nho Giáo, Trần Trọng Kim, trang 318). Cho nên, Lễ là cái phận lớn của điển pháp, cái kỷ cương của xã hội, làm người phải học cho biết Lễ, và giữ Lễ.
TRÍ:
Trí là sự hiểu biết, thông minh, biết tiến, biết thoái mà không ngu xuẩn thấp hèn.
Trí=biết; Tri=hay; thường gọi chung là trí tri. “Học cho cách vật trí tri”.
Trí thường đi đôi với chữ dũng. Trí dũng. Người quân tử phải có trí và dũng, nhưng phải biết phân biệt giữa cái trí của quân tử và cái trí của tiểu nhân. Tuân tử nói: “Có cái trí của Thánh nhân, có cái trí của kẻ sĩ và quân tử; có cái trí của tiểu nhân, có cái trí của đứa địch phu. Nói nhiều thì có văn vẻ và có thống loại, nghị luận suốt ngày về những điều mình nói, thiên cử vạn biến mà vẫn rành mạch, ấy là cái trí của thánh nhân.
Nói ít thì dễ dàng mà rõ rệt, nghị luận có khuôn phép, không phóng túng, ấy là cái trí của kẻ sĩ và người quân tử.
Còn lời nói thì xiểm nịnh, việc làm thỉ trái với lời nói, ấy là cái trí của kẻ tiểu nhân.
Lời nói thì liếng thoắng, bộp chộp, không kể việc phải trái, chỉ tranh hơn thua với người ta, ấy là cái trí của đứa dịch phu. (Nho Giáo, Trần Trọng Kim, trang 311, 312).
Xem vậy thì người có trí là người khôn ngoan, lấy lý trí để xét đoán mọi việc. Trái lại, người bị mất trí thì lương tâm mờ ám.
Tác giả Kinh Thi-thiên nói: “Người khôn ngoan dành để sự trí thức…. Nhưng kẻ ngu dại chết, vì thiếu trí hiểu…. Kẻ thiếu trí hiểu coi sự làm ác như chơi”.
Trời dạy chúng ta cũng phải biết tùy cơ mà ứng biến sự hiểu biết của chúng ta: “Các ngươi phải khôn ngoan như con rắn và hiền lành như chim bò câu”.
TÍN:
Không bao giờ sai lời, theo châm ngôn “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”.
Tín là tin, tin thực, không gian dối, không nghi ngờ, tin theo, thành tín. Như tín đồ, tín cử là tỏ lòng tin ở Thượng Đế, Tín dụng, Tín thư, Tín bài, Tín điều, Tín nhiệm, Tín ngưỡng, Tín phục v.v…. Ở Việt Nam đồng bạc không có bảo chứng, mất giá, nên có một loại giấy gọi là tín phiếu cứ tin tờ giấy đó như là đồng bạc.
“Nhân vô tín bất lập” nghĩa là người không trọng chữ tín, làm mất lòng tin của kẻ khác, thì chẳng ai tin, chẳng làm gì được. Giả thử một người thương gia, một người chủ tiệm tạp hóa v.v… một khi đã đánh mất chữ Tín, chắc chắn sẽ bị khách hàng tẩy chay, và sẽ thất bại. Như vậy, con người phải lấy thành tín làm đầu. Vì nếu có “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí mà thiếu Tín thì cũng mất tất cả, chẳng dùng vào đâu được.
Vợ Tăng Tử đi chợ, con khóc đòi đi theo. Bà mẹ bảo: “Con ở nhà chơi, mẹ đi chợ về làm thịt heo con ăn”. Lúc bà đi chợ về, thầy Tăng Tử bắt heo làm thịt, bà liền bảo: “Tôi nói đùa với con thôi mà!” Thầy Tăng Tử trả lời: “Nói đùa như thế sao được? Đừng khinh trẻ thơ không biết gì. Cha mẹ làm gì nó thường hay bắt chước. Nay mình nói dối, hóa ra mình dạy con nói dối sao?” Chữ Tín thật quan trọng. Người đánh mất chữ Tín, tất bị xã hội khinh khi.
Người viết đã dông dài về chiếc áo quê hương, một tác phẩm tuyệt vời của tay thợ, đã khai thác triệt để đường nét tuyệt mỹ của phái nữ (Việt Nam). Bên trong còn ẩn tàng sự dạy dỗ vô cùng quí báu của tổ tiên. Mặc dầu đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, cải biến, ngày nay chiếc áo trở thành đẹp hơn, nhưng không mất hình dạng. Hai vạt trước trở thành một vạt, hai vạt sau trở thành một vạt, không mất ý nghĩa, “vì hai ta tuy hai mà một.”
Nhưng cũng có một vài nhà thời trang đã vô tình hành hạ chiếc áo dài quê hương, làm biến hẳn hình dạng của nó: Cổ bẻ như áo “sơ mi”, với một cái zipper chạy dài phía trước; hoặc khoét cổ áo cho rộng để hở ngực, Tây chẳng ra Tây, Ta chẳng ra Ta, Tàu chẳng ra Tàu, không còn nét kín đáo nữa. Đó có thể là những chiếc áo theo mode thời trang, để hòa nhịp với nếp sống của phương Tây, nhưng không thể gượng ép gọi là chiếc áo dài quê hương được. Kẻ viết bài này không dám tham luận về thời trang, nhưng thử hỏi, nếu thật sự tổ tiên ta đã ẩn tàng sự dạy dỗ con cháu về năm đạo làm người qua chiếc áo: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong Ngũ Thường, mà chúng ta đánh mất một hay hai điều, đạo làm người cũng sẽ bị mất tất cả. Khi đánh mất đạo làm người, thì gia đình, xã hội đảo lộn, lung lay tận gốc rễ.