Lời Kinh Thánh

Môi-se, Nhà Lãnh Đạo Kiên Trì Và Cuộc Trường Chinh Vượt Sa mạc Si-nai

Môi-se, Nhà Lãnh Đạo Kiên Trì Và Cuộc Trường Chinh Vượt Sa mạc Si-nai

Ra khỏi xứ Ê-díp-tô và thoát vòng nô lệ của người Ai Cập, đoàn dân Y-sơ-ra-ên có khoảng 2 triệu người. Đức Chúa Trời chọn Môi-se làm người lãnh đạo đưa họ đến miền đất hứa, mà trên 400 năm trước Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ của họ là ông Áp-ra-ham, đó là nơi họ sinh sống. Miền đất hứa nằm về hướng tây hay là hữu ngạn của sông Giô-đanh. Vì lẽ ấy người Do Thái ngày nay cương quyết xem đó phải thuộc lãnh thổ họ vì do nơi ý định của Đức Chúa Trời.

Ông Môi-se ghi lại các dữ kiện và chi tiết của những ngày giong ruỗi, và ông cũng ghi lại mọi luật lệ mà Đức Chúa Trời đã truyền dạy. Suốt cuộc hành trình, Chúa đã dạy dỗ và huấn luyện cho dân chúng sống theo những luật lệ và mạng lệnh (điều răn) của Ngài để có một xã hội an bình và lành mạnh:

Luật gia đình: vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, phải đối xử với nhau thế nào và phân chia tài sản hoặc chu cấp lẫn nhau như thế nào.

Luật xã hội và nhân đạo: phải đối đãi với người nghèo, với khách lạ, với người làm công, với người láng giềng, với người góa bụa hoặc kẻ mồ côi như thế nào. Phải đối đãi với thú vật như thế nào.

Luật sức khỏe và vệ sinh: những con vật nào ăn được, những con vật nào không được ăn vì chúng sinh bệnh tật; cách nấu nướng, giặt giũ; cách giữ gìn thân thể và nhà cửa sạch sẽ.

Mười Điều Răn: mười điều luật căn bản để mang lại tự do, bình đẳng, và hòa bình do chính tay Chúa viết trên bảng đá.

Đức Chúa Trời đã bảo bọc và che chở đoàn người di dân nầy suốt cuộc hành trình:

Bóng mát và sưởi ấm: Ban ngày Chúa ngự trong một trụ mây để hướng dẫn họ đi. Họ ngừng lại để dựng lều cắm trại khi trụ mây ngừng mang bóng mát cho họ. Ban đêm trụ mây sáng đỏ như lửa để soi đường và sưởi ấm họ trong sa mạc.

Thức ăn: khi họ thèm có thịt để ăn thì Chúa ban chim cuốc sà xuống cho họ bắt. Mỗi đầu ngày đều có những hạt sương màu trắng rơi xuống để họ hứng lấy làm bánh ăn, gọi là ma-na. Mỗi ngày đều có đủ ăn cho ngày nấy, không ai cần phải dự trữ khiêng vác gì cả.

Nước: Chúa đưa họ đi ngang những khe suối hoặc cho nước phun ra từ những núi đá để họ luôn luôn được đầy đủ.

Các cuộc thư hùng với các dân tộc trong sa mạc trên đường viễn chinh: Chúa đều phù trợ họ.
Chặng đường từ Biển Đỏ đến Đất Hứa cần phải đi trong khoảng một tháng, mà dân Y-sơ-ra-ên đi miệt mài trong sa mạc 40 năm mới đến. Môi-se được Chúa giao phó hướng dẫn đoàn dân ra đi dưới sự chỉ đạo của Thiên Chúa, tại sao họ lại phải lưu lạc đến 40 năm?

Dân Y-sơ-ra-ên ra đi thoát vòng nô lệ, nhưng lòng họ không phải là tấm lòng của một dân đã được giải phóng. Họ sợ những sự gian nan trên con đường đi về miền đất hứa. Họ quen kiếp sống nô lệ như những tù nhân không cần phải suy nghĩ hay tìm cách phát huy cuộc sống, cứ cúi đầu chịu đựng để có đủ ăn là được yên thân. Bước chân ra khỏi xứ Ai Cập, họ đã chứng kiến những tai nạn hãi hùng mà Đức Chúa Trời đã giáng trên dân Ê-díp-tô; và khi họ bị rượt đuổi, Chúa đã phân rẽ biển để họ đi qua trên đất khô. Họ đã được chứng kiến các phép lạ vĩ đại nhất mà Đức Chúa Trời đã làm để cứu họ, nhưng vừa gặp một thành lớn của dân cư nơi đất hứa, thì lòng họ sợ hãi không dám tiến tới và đòi trở về lại vòng nô lệ của xứ Ê-díp-tô! Đức Chúa Trời nhìn thấy một đoàn dân bất hiếu và hèn nhát. Hở một chút khó khăn, một chút gian nan là họ la khóc, phàn nàn, gây gổ với ông Môi-se. Khi gặp những kẻ thù dọc đường thì họ nhu nhược sợ hãi và lại trách móc ông Môi-se sao lại đem họ ra khỏi xứ Ê-díp tô. Họ vẫn chưa bỏ được những thói quen tật xấu họ đã quen có vì sống chung đụng với người Ai Cập là dân thờ tà thần, và lòng vẫn còn tơ tưởng nếp sống ấy và bày tỏ sự vô ơn đối với Thiên Chúa. Nhiều lần đến độ Đức Chúa Trời chỉ muốn tuyệt diệt họ, nhưng chính Môi-se là người nài xin Chúa rủ lòng thương xót họ.

Vì các lý do ấy, Đức Chúa Trời không muốn mang những đám người đã không thay đổi được tâm tánh và cách ăn ở của họ vào Đất Hứa. Ngài đưa họ đi lòng vòng trong sa mạc để luyện lọc và trau dồi một thế hệ mới biết kính sợ và trông cậy nơi Chúa để lập một quốc gia mới cho họ.

Cuối cùng, những ai được vào đến Đất Hứa?

Tất cả những người nào mà ngày ra khỏi xứ Ai Cập mà tuổi đã thành nhơn trở lên, đều qua đời, chôn trong sa mạc trừ hai người duy nhất.

Dân Y-sơ-ra-ên khi vào đến Đất Hứa chỉ là những người dưới 60 tuổi, là những người hãy còn thơ ấu trong tuổi thanh niên khi rời Ê-díp-tô hoặc đã được sanh ra trong những năm lưu lạc.

Hai người ngoại lệ trên 80 tuổi đến được Đất Hứa là Giô-suê (Joshua) và Ca-lép (Caleb). Hai người nầy, ra khỏi Ai Cập đang ở tuổi 40, nhưng suốt cuộc hành trình họ bày tỏ tấm lòng dũng cảm không kinh khiếp với các kẻ thù dọc đường đi; họ không hề nao núng hay sờn lòng và họ luôn luôn tin tưởng vào Thiên Chúa đặng quyết lòng đi đến Đất Hứa.

Ông Môi-se cũng không được vào đến Đất Hứa. Ông qua đời ngay trước khi đoàn dân đặt chân đến bên nầy bờ sông Giô-đanh. Tuổi Môi-se lúc ấy được 120. Đức Chúa Trời yêu thương người tôi trung của Ngài, Ngài đưa ông lên ngọn núi Nê-bô ở đỉnh Pít-gan (ngày nay ở trong vòng biên giới quốc gia Jordan), và từ đấy ông được một lần nhìn thấy những ngọn đồi, những cánh đồng xanh tươi đượm sữa và mật của Đất Hứa.

Kinh Thánh chép rằng ông Môi-se, người tôi tớ thân yêu của Đức Chúa Trời qua đời, và chính Đức Chúa Trời đã chôn ông, không ai tìm thấy được. “Từ xưa đến nay chưa bao giờ có một vị tiên tri nào dấy lên trong Y-sơ-ra-ên như Môi-se, người CHÚA biết mặt tận mặt. Không ai có thể sánh được với ông về mọi dấu kỳ và phép lạ mà CHÚA đã sai ông thực hiện tại đất Ai Cập để đối phó với Pha-ra-ôn, toàn thể quần thần của vua ấy, và cả nước của vua ấy, cùng mọi việc quyền năng và mọi quyền phép lớn lao khủng khiếp mà Môi-se đã biểu dương trước mắt toàn dân Y-sơ-ra-ên.” (sách Phục truyền Luật lệ Ký 34:10-12).

Ngọc Liên

 

 

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button