Môi-se, Hoàng Tử của Ai-cập, ông là ai?
Lịch sử tôn giáo của Cơ-đốc giáo (Christianity) và Giu-đa giáo (Judaism) thường nhắc đến ông Môi-se và ông được yêu quí và tôn trọng như là một nhà lãnh đạo anh minh và tài ba; người không theo các đạo nầy thì còn gọi ông là Hoàng tử Ai-cập (Prince of Egypt), vậy ông Môi-se là ai?
Ông Áp-ra-ham của Thánh Kinh cũng là tổ phụ của ba tôn giáo lớn phát xuất từ vùng Cận Đông: Cơ-đốc giáo (gồm cả Công Giáo và Tin Lành Giáo), Giu-đa giáo và Hồi giáo. Ông Áp-ra-ham có hai người con trai, Ích-ma-ên là tổ phụ của dân Ả-rập; và Y-sác, là người mà từ đó sinh ra dân tộc Do Thái. Con trai của Y-sác là Gia-cốp là tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên hay người Hê-bơ-rơ và về sau họ giữ đạo Giu-đa giáo (hay Do Thái giáo). Cũng từ Y-sơ-ra-ên, gần 1500 năm sau, Đức Chúa Jesus đã sinh ra đời. Những người tin Ngài là Con Đức Chúa Trời và là Chúa Cứu Thế, được gọi là Cơ-đốc nhân và đạo của họ tin được gọi là Cơ-đốc giáo hay Tin Lành giáo.
Khi gia đình của ông Gia-cốp, vốn là dân du mục, bị gặp một cơn hạn hán dài 7 năm, chưa từng thấy ở khắp miền Cận Đông, họ đã phải đi lánh nạn. Hay biết ở tại xứ Ai-cập có lúa thóc bán ra thì họ bèn kéo sang đấy để mua. Ngờ đâu vị Đại Thần của vua Ai-cập, chuyên về việc mua bán lúa thóc của nhà vua lại là người em ruột của họ mà trên 20 năm trước họ đã cố tính hãm hại và bán cho dân Ả-rập. Chuyện xích mích xưa được hàn gắn, vì hạn hán còn kéo dài, cả nhà ông Gia-cốp được vua Ai-cập mời vào ở trong xứ mình và cho họ đất để họ làm nghề chăn nuôi.
Đó là khởi đầu của cuộc sống tha hương của người Do Thái nơi đất Ai-Cập. Cuộc sống tha hương kéo dài 400 năm. Kinh Thánh không ghi lại hết chi tiết những điều gì đã xảy ra cho dân Do Thái nơi xứ Ê-díp-tô trong thời gian nầy. Mãi cho đến gần cuối 400 năm ở đậu, Kinh Thánh mới kể lại rằng người Do Thái đã sống như là dân nô lệ của vua Pha-ra-ôn của Ai-cập. Pha-ra-ôn hành hạ dân Do Thái, và còn ganh ghét họ đến độ muốn tuyệt chủng dân nầy. Pha-ra-ôn đã ra lệnh bắt các bà mụ đỡ đẻ phải liệng các hài nhi nam vào sông!
Một gia đình người Do Thái sinh được một bé trai. Người mẹ cố giữ con với mình cho đến gần 3 tháng. Nhưng khi em bé bắt đầu khóc quá to, có thể gây sự chú ý của xóm giềng và quân lính của vua, bà mẹ bèn đan một chiếc giỏ, trét dầu hắc và đặt con mình trong giỏ và mỗi ngày mang con dấu trong bụi rặm bên bờ sông Nile mỗi ngày cho đến chiều tối.
Một ngày kia công chúa xứ Ai-cập đi dạo bên bờ sông và nghe có tiếng trẻ thơ khóc. Cho kẻ hầu ra tìm kiếm đứa bé đang khóc, công chúa tìm được một bé trai trong giỏ. Bà biết đây phải là con của người Hê-bơ-rơ đang tìm các dấu con mình vì sắc lệnh của vua. Em bé quá bụ bẩm và dễ thương mà công chúa thì không có con, nên bà muốn đem em bé về nuôi làm con mình. Công chúa đặt tên cho bé trai là Môi-se vì đã được tìm thấy nơi giòng nước. Bà sai tìm một người vú mới dứt sữa để nuôi con trai mình. Người chị của bé Môi-se đã lén núp trông chừng em bèn chạy đến nói với công chúa em biết một người vú tốt cho bé Môi-se. Nhờ vậy Môi-se đã được chính cha mẹ mình nuôi dạy những năm đầu đời và cho em biết về lịch sử và tôn giáo của người Do Thái.
Người mẹ nuôi của Môi-se, theo truyền thuyết và sử liệu là công chúa Hatshepsut, con gái của Pha-ra-ôn Rameses II hung tàn. Bà không có con, nên chồng bà về sau là Pha-ra-ôn Thutmose II có con với một người đàn bà khác; khi tìm được Môi-se công chúa Hatshepsut tin rằng đây là đứa con mà các thần mang đến cho mình, nên bà rất yêu thương Môi-se. Khi Môi-se lớn khôn đủ, được trả lại cho công chúa thì bà cho Môi-se học theo các ngành văn minh của người Ai-cập. Môi-se được huấn luyện và hấp thụ một nền giáo dục dành riêng cho một hoàng tử của văn hóa xứ Ê-díp-tô vì mẹ nuôi chàng muốn con trai mình sẽ nối ngôi Pha-ra-ôn của giòng dõi mình.
“Hoàng tử” Môi-se ở trong cung điện của vua cho đến năm 40 tuổi. Có thể những gì chàng đã học từ tuổi ấu thơ đã cho chàng biết mình mang giòng máu Do Thái. Một ngày kia khi đi về vùng người Do Thái để thăm viếng thân nhân, Môi-se thấy một người cai Ai-cập hành hạ tàn nhẫn một người phu Do Thái bèn ngăn cản lại, nhưng cuộc ẩu đả đưa đến chỗ chàng đã quá tay giết người cai Ai-cập. Tưởng không ai nhìn thấy, Môi-se chôn xác người Ai-cập và làm thinh về việc ấy. Ngày hôm sau, cũng đang khi đi thăm viếng họ hàng, Môi-se lại bắt gặp hai người Do Thái đánh lộn nhau, bèn can ngăn họ và nói, “Anh em cùng giòng máu Do Thái sao lại đánh nhau.” Nhưng một gã to tiếng cùng Môi-se rằng, “Bộ ông cũng muốn giết chúng tôi như giết người Ai-cập ngày hôm qua sao?” Biết việc mình làm đã bị bại lộ, rồi biết Pha-ra-ôn đã hay tự sự và đang tìm cách giết mình, Môi-se bèn trốn đi lánh mặt Pha-ra-ôn.
Rời bỏ hoàng cung, mất quyền hoàng tử, bị vua quân lùng bắt như một kẻ tử tội, Môi-se chạy vào trong miền sa mạc vùng Mê-đi-an. Ông gặp một gia đình tộc trưởng dân du mục và lập gia đình với người con gái lớn của họ. Môi-se giúp vợ mình chăn nuôi đàn chiên của cha vợ và làm nghề chăn chiên 40 năm trời. Đây là những năm mà Môi-se đã sống như một người tu hành, tập tành cho lòng mình lắng dịu khỏi những sự xa hoa danh lợi của triều đình Ai-cập; ông đã tập tính kiên trì và nhẫn nại của một người chăn chiên; ông tập sống được đời sống sa mạc, tranh đấu với những gian nan khắc khổ của phong thổ. Và trong những năm nầy, Môi-se đã quên con người hoàng tử oai phong quyền quí để hạ mình xuống nhận thức rằng chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Quyền Năng và chỉ có Ngài là Thần mà người ta phải thờ lạy và tôn sùng. Môi-se từ bỏ những phong tục lề thói của người Ai-cập, những tà thần, những thần đầu người mình thú của họ, và cả những tập tục thờ lạy các thần cách cuồng loạn và ghê tởm của họ.
Đây là những năm mà Đức Chúa Trời đã tao luyện Môi-se để giúp ông sẵn sàng cho một sứ mạng quan trọng nhất ông sẽ làm cho Ngài!
(Đọc thêm Kinh Thánh Sáng Thế Ký đoạn 37 -50; Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 1 và 2)
Kỳ Tới: Môi-se, Nhà Lãnh Đạo Vĩ Đại và Cuộc Trường Chinh Vượt Sa mạc Sa-ha-ra
Ngọc Liên