Lời Kinh Thánh

Thờ Chúa Không Biết

Tháng rồi, chúng tôi có dịp được đi đến A-thên. A-thên là thủ đô của quốc gia Gờ-réc hay Hy Lạp. Trong lịch sử thế giới, Hy Lạp đã một thời là bá chủ một lãnh thổ rộng lớn từ Âu Châu tràn lan Phi Châu và kéo lên tận Á Châu. Sau khi A-Lịch-Sơn Đại Đế (Alexander the Great), lâm trọng bệnh và mất bất ngờ, Hy Lạp bị chia tư bởi bốn tướng lãnh, và cuối cùng bị đế quốc La Mã tấn chiếm. La Mã từ đó cai trị phần lớn các vùng đất vốn là của Hy Lạp thời trước. Đó là lịch sử của thế giới, nhưng tất cả những sự kiện ấy chính Kinh Thánh cũng đã tiên đoán sẽ xảy ra từ trước khi Hy Lạp làm bá chủ thiên hạ! (Sách tiên tri Đa-ni-ên).

Hy Lạp tuy không còn là một đại cường quốc, và rất gần đây chỉ là một quốc gia trong khối Liên Minh Âu Châu đang gặp hiểm nghèo kinh tế đến có thể bị khánh tận; nhưng ảnh hưởng của văn hóa và ngôn ngữ Hy Lạp vẫn còn rất nhiều trên thế giới. Từ thời cổ đại, người Hy Lạp có những chuyện thần thoại. Họ tin vào các thần, đủ loại thần, để giải thích cho những biến động của thế giới họ sống, những chuyện phong thần được người ta đặt ra và truyền tụng. Thần của họ có thể là thần mưa, thần nắng, thần tình yêu, thần hòa bình, thần chiến tranh, thần mặt trăng, mặt trời, các hành tinh, v. v. . .  Họ tin mỗi năm các thần của họ họp nhau trên đỉnh núi Olympus để tranh tài. Thế giới ngày nay chúng ta vẫn có Thế Vận Hội Olympic, cũng đến từ thần thoại ấy. Tên của mỗi hành tinh trong thái dương hệ cũng đến từ truyền thuyết Hy Lạp. Tên các ngày trong tuần của người Âu Châu để thờ các thần cũng đến từ các thần của Hy Lạp như Thổ tinh, Hỏa tinh, Kim tinh, (Saturn, Mars, Venus, Moon, …) v.v…

Sau khi đế quốc La Mã cướp quyền thống trị thế giới, văn hóa Hy Lạp vẫn ảnh hưởng nhiều trong lối cai trị của người La Mã. Các triết gia nổi tiếng với các tư tưởng mà văn hóa thế giới ảnh hưởng ngày nay cũng là những hiền triết của Hy Lạp (Socrates, Plato, Aristotle, v.v . . .) Người Hy Lạp hay dân thành A-thên vì vậy rất thích nghe những tư tưởng mới lạ.

Trở lại với thành phố A-thên. Tên của thành phố nầy đến từ tên của một nữ thần của Hy Lạp, nữ thần Athena Nike, hay nữ thần chiến thắng và hòa bình. Thành phố A-thên là nơi đền thờ nữ thần Athena được xây cất rất nguy nga trên đỉnh đồi của thành phố. Ngày nay đền thờ đã điêu tàn nhưng sự hùng vĩ của nó vẫn còn. Gần 2000 năm trước, Kinh Thánh đã ghi lại cuộc truyền giáo của sứ đồ Phao-lô (sách Công vụ các Sứ đồ 17). Ông Phao-lô, nhờ có quốc tịch La Mã nên có thể đi khắp các miền đất thuộc dưới quyền đô hộ của La Mã, và ông đã đến truyền giáo tại A-thên:

“Phao-lô đương tại thành A-thên, động lòng tức giận, vì thấy thành đều đầy những thần tượng. Vậy, người biện luận trong nhà hội với người Giu-đa và người mới theo đạo Giu-đa; lại mỗi ngày, với những kẻ nào mình gặp tại nơi chợ. Có mấy nhà triết học về phái Epicuriens và phái Stociens cũng cãi lẽ với người. Kẻ thì hỏi: Người già mép nầy muốn nói gì đó? Người thì nói: Người dường như giảng về các thần ngoại quốc (vì Phao-lô truyền cho chúng về Đức Chúa Jêsus và sự sống lại). Chúng bắt người, đem đến nơi A-rê-ô-ba, mà hỏi rằng: ‘Chúng tôi có thể biết được đạo mới mà ông dạy đó chăng? Vì chưng ông giảng cho chúng tôi nghe sự lạ. Chúng tôi muốn biết ý nghĩa điều đó là gì.’ Vả, hết thảy người A-thên và người ngoại quốc ngụ tại thành A-thên chỉ lo nói và nghe việc mới lạ mà thôi.

Bấy giờ, Phao-lô đứng giữa A-rê-ô-ba, nói rằng: ‘Hỡi người A-thên, phàm việc gì ta cũng thấy các ngươi sốt sắng quá chừng. Vì khi ta trải khắp thành các ngươi, xem xét khí vật các ngươi dùng thờ phượng, thì thấy một bàn thờ có chạm chữ rằng: Thờ Chúa Không Biết. Vậy, Đấng các ngươi thờ mà không biết đó, là Đấng ta đương rao truyền cho. Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta. Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhơn của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên.’”

Đứng nhìn cảnh đổ nát của ngôi đền Parthenons, tôi mường tượng được một thành phố A-thên sầm uất, và sự sửng sốt của Phao-lô khi thấy không biết bao nhiêu là đền thờ, đình chùa, am miếu đầy dẫy trong thành phố A-thên và người ta thờ đủ loại thần của thời ấy. Với Phao-lô ông chỉ tin vào một thần duy nhất, một Thiên Chúa Tối Cao là Đấng chủ tể của muôn vật, là Đấng đã dựng nên trời, đất, các hành tinh, các ngôi sao, và là Đấng đã dựng nên loài người. Phao-lô nhìn các tượng thần mà người dân A-thên đã tạo khắc và đặt tâm tính loài người và các thần ấy, họ cũng biết yêu biết ghét, bị người yêu ruồng bỏ, bị con cái phản loạn, v.v… và các thần phải tranh đấu với nhau để xem ai hay ai giỏi; và đến những cuộc thiên tai, chiến tranh thì chính con người phải khuân vác các thần ấy ra khỏi sự đốt phá của quân thù. Chính vì vậy mà sứ đồ đã can đảm đứng giảng trên những bực thềm của đền thờ thần Apolo của người Hy Lạp và chỉ cho họ biết về Thiên Chúa Tối Cao và tình yêu thương của Ngài có cho nhân loại. Ngài không là một Đấng do con người tạo ra, nhưng Ngài là Đấng đã dựng nên tất cả.

Ngọc-Liên  2016

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button