Dưới thời Vua Sa-lô-môn, có một câu chuyện được dân chúng truyền tụng khắp nơi. Kinh Thánh ghi lại chuyện ấy trong sách I Các Vua đoạn 3, câu, 16-28:
“Bấy giờ, có hai con điếm đến cùng vua, đứng trước mặt vua. Một đứa nói: Chúa tôi ôi! người đàn bà này và tôi ở chung nhau một nhà, và tôi đẻ một con trai trong nhà đó. Sau ba ngày, người này cũng đẻ; chúng tôi ở chung nhau, chẳng một người lạ nào ở với chúng tôi trong nhà; chỉ có hai chúng tôi ở đó mà thôi. Lúc ban đêm, con trai của người này chết, bởi người đã nằm đè trên nó. Đêm khuya người chổi dậy, và trong khi con đòi vua ngủ, thì người lấy con trai tôi khỏi bên tôi, mà để nó nằm trong lòng mình, rồi đặt con trai chết của nó nằm trong lòng tôi. Sáng sớm, tôi thức dậy đặng cho con trai tôi bú, thì thấy nó đã chết; nhưng sáng rõ, tôi nhìn nó kỹ càng, thấy chẳng phải là con trai tôi đã đẻ. Người đàn bà kia trả lời rằng: Không phải vậy; vì đứa sống là con trai tao, đứa chết là con trai mầy. Song đàn bà này nói: Không phải vậy đâu; đứa chết là con trai mày, còn đứa sống là con trai tao. Hai người cãi nhau như vậy trước mặt vua.
Vua bèn phán rằng: Người này nói: Đứa còn sống là con trai tao, và đứa chết là con trai mày. Người kia nói: Không phải vậy đâu; song con trai mầy ấy là đứa chết, và con trai tao ấy là đứa sống.
Vua bèn tiếp rằng: Vậy, hãy đem cho ta một cây gươm. Người ta đem cho vua một cây gươm.
Vua lại phán: Hãy chia đứa trẻ sống làm hai, phân nửa cho người này và phân nửa cho người kia.
Nhưng mẹ của đứa trẻ sống, vì gan ruột cảm động thương yêu con mình, bèn tâu với vua rằng: Tâu chúa thượng, xin đừng. Xin cho chị ấy đứa bé. Xin đừng giết nó!” Bấy giờ, vua cất tiếng phán rằng. Hãy cho người này đứa trẻ sống, chớ giết nó ấy là mẹ nó.
Cả Y-sơ-ra-ên đều nghe sự đoán xét mà vua đã làm, thì bắt kính sợ vua, vì thấy trong lòng người có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đặng xử đoán công bình. ”
Câu chuyện nầy được sử sách các triều vua của người Do Thái ghi lại để làm bằng chứng sự khôn ngoan của Vua Sa-lô-môn trong việc trị dân. Khi vua phân xử vụ kiện cáo nầy, mới nghe thì thấy vua thật tàn nhẫn lẽ nào giết trẻ con như vậy. Nhưng Sa-lô-môn, dầu trẻ tuổi, đã biết sự bao la của tình mẫu tử sẵn sàng chấp nhận điều đau buồn nhất cho mình hầu cứu mạng cho con, nên ông đã đẩy người mẹ thật vào một thế đòi hỏi phải có sự hy sinh. Sự sẵn lòng hy sinh hạnh phúc của mình cho thấy ai là người mẹ thật.
Nhân mùa Lễ Tri Ân Mẹ, tôi muốn đưa cái nhìn chúng ta vào người mẹ của câu chuyện này. Một người mẹ dầu không phải là một cá nhân tốt hay được trọng vọng, vẫn có đầy tình mẫu từ cho con mình. Người mẹ đây là một cô gái ăn sương, không người thân thiết, cuộc đời cô có thể đã qua những lầm lỡ nào nên đã đưa đẩy cô đến hoàn cảnh phải làm nghề bán phấn buôn hương và sinh một đứa con không cha. Nhưng không vì vậy mà cô đã là một người mẹ xấu. Cô thương đứa con mình sinh ra. Mỗi ngày ôm con trong tay, cho con bú cô hẳn đã nựng nịu từng ngón tay ngón chân của đứa bé; cô đã nhìn rõ và thương yêu từng nét mặt của con mình. Cô biết con mình.
Ở cùng nhà với người mẹ trẻ nầy cũng có một người đàn bà cùng nghề, và người ấy cũng vừa mới sinh con. Nhưng người mẹ, thứ hai không phải là một người mẹ tốt, nàng ta lười biếng và không cẩn thận chăm sóc con mình. Nàng ta quá mệt mỏi rồi mê ngủ đã đè chết đứa con của mình. Khi biết con mình chết thì lại tráo đứa bé đã chết và ăn cắp con của người mẹ thứ nhất.
Hai người đàn bà gây gỗ với nhau để dành con. Người mẹ quyết lòng không để mất con. Cô ta không chịu bỏ cuộc, đến độ phải mang sự kiện lên đến tận Vua Sa- lô-môn. Lòng mẹ thương con như người mẹ nầy, một người mẹ tốt biết con mình và nhất quyết bảo vệ để giữ con mình cho đến cùng. Người mẹ quyết tâm tranh đấu để giữ con mình không bị ai cướp lấy, không bị xã hội bại hoại cướp mất con mình, không để cho bạn bè xấu cướp con mình, không cho ma quỉ cướp mất con mình. Tình mẫu tử quyết không bao giờ bỏ cuộc!
Nhưng sau sự phán quyết của vua, phải cắt đứa bé ra làm hai. Đứa con sẽ phải chết! Người mẹ hiền vì yêu con đành phải chịu thà không giữ được con với mình hơn là nhìn thấy nó chết. Người mẹ nào thương con cũng thế; có thể có một lúc nào đó, mẹ cũng phải đành lòng buông bàn tay níu kéo và để cho con mình sự tự do, vì muốn giữ con mình sự sống còn của nó, dầu điều ấy có xé nát ruột gan mình!
Người mẹ thật ở đây muốn con mình được sống. Lòng nàng đau đớn vì biết chỉ có thể hoặc nhìn con mình chết, hoặc mình phải mất con không còn được ôm ấp con trong lòng với mình nữa. Và tình mẫu tử đã đưa nàng đến sự chọn lựa: con mình phải sống. Người đàn bà không phải mẹ ruột của đứa bé thì không chút động lòng thương đứa trẻ. Cô ta bằng lòng nhìn thấy đứa bé bị chết. Người đàn bà nầy dầu sinh con nhưng không phải là mẹ. Cô ta có thể không thật sự muốn có đứa con này, hoặc có con từ lòng ganh tị để “bằng chị bằng em!” Hay có con hoặc nuôi con chỉ vì cho vinh dự cá nhân mình. Đó không phải là một lý do để có con!
Người mẹ thật trong câu chuyện này đã nài xin Vua đoái thương đến sự sống của con mình. Bà ta kêu cầu cùng Vua. Nếu hình ảnh một vì minh quân đây tượng trưng cho Đức Chúa Trời thì chúng ta học được bài học từ người mẹ trẻ này:
Thứ nhất, người mẹ hiền biết kêu cầu cùng Chúa, nài xin Chúa đoái thương và giữ con mình được bình an, không gặp những điều làm nó vấp ngã, làm nó lạc mất. Nài xin Chúa không thôi cho con mình. Cầu nguyện không thôi. Đừng bao giờ bỏ cuộc trong sự cầu nguyện cho con mình. Lời cầu nguyện của người mẹ tốt sẽ được Đức Chúa Trời lắng nghe.
Thứ hai, người Mẹ hiền tin tưởng nơi Chúa và trông cậy nơi Ngài. Người mẹ đặt hết lòng tin tưởng của mình nơi Chúa và giao mọi sự trong tay Chúa. Hãy dâng con cái mình cho Chúa, không chỉ một lần thôi, mà là mỗi ngày, và suốt cuộc đời của nó.
Câu chuyện người mẹ này cho chúng ta thấy tình mẫu tử bao la. Huống hồ chi tình yêu của Đức Chúa Trời cho các con Ngài. Chúa sẽ không bao giờ quên các con cái mà chúng ta đã giao cho Ngài. Đức Chúa Trời đã phán “Đờn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đờn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi. Nầy ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta” (Ê-sai 49: 15, 16).
Tên của mỗi người chúng ta, Chúa đã chạm vào bàn tay Ngài để Ngài không bao giờ quên chúng ta! Còn tình yêu nào cao sâu hơn tình yêu Chúa cho mỗi đứa con của Ngài!
Ngọc Liên