Khi Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất thế giới mà Ngài sáng tạo là một thế giới toàn vẹn và tuyệt vời. Thế gian được che phủ bằng tình yêu thương của Thiên Chúa, và con người thì sống trong phước hạnh và đầy lòng biết ơn. Nhưng kẻ thù của Đức Chúa Trời đã len lỏi vào thế gian và tìm cách phá hoại những gì tốt đẹp mà Thiên Chúa đã dựng nên. Nó chỉ muốn biến đổi mọi sinh vật thọ tạo của Thượng Đế trở thành như nó: hung ác, hận thù nghi ngờ ganh tị; và lòng nó chỉ hả hê khi thấy kẻ khác phải gặp thống khổ và thương đau.
Kẻ thù ấy là Sa-tan hay Ma Quỉ. Nhưng kẻ thù đó đến từ đâu? Kinh Thánh ghi lại rằng kẻ thù ấy vốn là một thiên sứ vinh hiển và toàn vẹn nơi thiên đàng. Thiên sứ ấy còn có tên là Lu-xi- phe (nghĩa là ánh sáng), một thiên sứ trưởng đầy huy hoàng và tài ba được yêu thương và ngưỡng mộ. Nhưng các điều tốt đẹp ấy đã làm Lu- xi-phe tự cao và kiêu hãnh. Thật đáng tiếc, sự kiêu ngạo đã xâm chiếm lòng Lu- xi-phe. Hắn bắt đầu nuôi dưỡng những tư tưởng ganh tị với Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên hắn Lu- xi-phe muốn dành quyền của Đấng Tạo Hóa. Hắn bắt đầu cuộc nổi loạn bằng những lời dối trá và dèm pha Đấng đã tạo dựng mình. Lu- xi-phe (còn có tên gọi là Sa-tan) muốn thiên đàng phải có tị hiềm, ghen ghét, hận thù và không còn là một nơi mà tình yêu thương và sự hoàn hảo của Đức Chúa Trời ngự trị. Nhưng cuộc nổi loạn của Lu- xi-phe bị thất bại và nó cùng một phần ba thiên sử trên trời theo nó đã bị đuổi khỏi thiên đàng.
Lu-xi-phe tìm đến Địa Cầu tuyệt hảo mà Đấng Tạo Hóa vừa tạo dựng cho loài người là con của Ngài. Chính tại đây, nơi Vườn Ê-đên, Lu- xi- phe lại dùng thủ đoạn cũ là mang sự nghi ngờ, ham hố và đố kỵ vào thế gian và gieo vào lòng con người, để họ vì những điều ấy mà phạm tội cùng Đấng đã tạo dựng họ. Từ Vườn Ê- đên cho đến ngày nay, Ma Quỉ đã không ngừng tìm cách gây sự nghi ngờ và sợ để đưa đến lòng thù kết quả là con người hung hăng, tàn nhẫn và bạo động. Lịch sử thế giới đã luân phiên thay đổi, nhưng xảo thuật Sa-tan dùng cũng vẫn là xảo thuật xưa. Mỗi thời kỳ, mỗi thế hệ, cũng cùng sự tự cao, ganh ghét, vô luân và bạo tàn hắn đã đặt để vào lòng người. Ngày nay thế giới cũng bị đe dọa bởi những kẻ hung ác làm tay sai cho Sa-tan. Các kẻ cuồng bạo này cũng muốn toàn thế giới trở nên hung bạo và gian ác giống chúng. Chúng đã gây những cuộc khủng bố để áp đảo lòng người và gieo vào đầu người ta sự sợ hãi, để người ta trở nên nghi kỵ, và làm họ trở nên hận thù, để rồi họ cũng bị sa vào hành động bất nhân. Đó là mục tiêu của Sa-tan với con người.
Khi loài người vì thiếu đức tin nơi tình yêu của Chúa, để lòng mình lung lay và bước đi con đường Sa-tan đã dự trù, họ đã giúp nó thành công trong sứ mạng hủy hoại địa cầu mà Đức Chúa Trời đã dựng nên. Khi loài người vô tình đi theo kế hoạch của Sa-tan họ đã từ bỏ bản chất yêu thương, nhân từ của Đức Chúa Trời mà trở nên tàn nhẫn và chai đá trước cảnh thống khổ của người đồng loại. Họ sợ hãi, nghi kỵ, chế diễu và căm thù người đồng loại của họ, cũng là những kẻ thọ tạo của Đức Chúa Trời!
Kinh Thánh đã chỉ rõ ràng rằng bản chất của Đức Chúa Trời là tình yêu. Đức Chúa Jesus là Đấng yêu thương, cả cuộc đời của Ngài nơi trần thế là biểu lộ tình yêu thương ấy của Đức Chúa Trời Và trong mọi kẻ Ngài thương xót nhất, ấy là những kẻ cùng khốn. Đức Chúa Jesus đã ra đời trong cảnh nghèo nàn và thiếu thốn để Ngài hiểu được sự cùng khốn là của loài người là thế nào. Gia đình cha mẹ của Chúa đã là những người lang thang xa quê hương xứ sở và phải tìm nơi tạm trú. Đức Chúa Jesus, khi mô tả tình trạng kinh tế của bản thân mình đã nói, con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người (Chúa) không có chỗ gối đầu” (Ma-thi-ơ 8: 20).
Khi khởi đầu chức vụ giảng đạo, Đấng Cứu Thế đã tuyên bố mục đích của Ngài “Thần của Chúa ngự trên ta: Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo” (Lu-ca 4: 18); và Ngài đã nói rằng chức vụ của Ngài là làm “kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành” (Ma-thi-ơ 11: 5). Ngài đã căn dặn các môn đồ Ngài, “Khi ngươi đãi bữa trưa hoặc bữa tối, đừng mời bạn hữu, anh em, bà con và láng giềng giàu, e rằng họ cũng mời lại mà trả cho ngươi chăng. Song khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những kẻ nghèo khó tàn tật què, đui, thì ngươi sẽ được phước, vì họ không có thể trả lại cho ngươi; đến kỳ kẻ công bình sống lại, ngươi sẽ được trả” (Lu-ca 14: 12- 14). Và cuối cùng, Chúa nói, môn đồ thật sự của Ngài là, “Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta… Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Ma-thi-ơ 25:34-36,40).
Mùa Giáng Sinh là mùa kỷ niệm tình yêu thương của Thiên Chúa cho nhân loại đã thành hiện thực. Đây cũng là mùa nhắc chúng ta nhớ rằng, so với sự toàn thiện của Thiên Chúa, chúng ta rất thiếu kém; so với sự nhân từ của Ngài, chúng ta là những kẻ cần sự trợ cấp của hồng ân Ngài; và so với sự vinh quang của Chúa, chúng ta chỉ là những kẻ rách rưới. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban phát tình thương và rũ lòng nhân từ tràn đầy khoan hồng để tha thứ, để nhận chúng ta làm con trai và con gái của Ngài; thì chúng ta cũng hãy bày tỏ lòng nhân từ, tình yêu thương mà đổi đã với những ai thiếu kém hơn mình. Chúng ta đừng để Ma Quỉ làm lung lay tấm lòng mình và trở nên hung hăng tàn nhẫn như nó; nhưng hãy vững lòng và bền chí để phản ánh tình yêu thương và sự khoan hồng của cá tính của Thiên Chúa, Cha thiên thượng của mình.
Ngọc-Liên
Mùa Giáng Sinh 2015