Khi sắp rời khỏi ngôi đền, Ngài đã nói gì?
“Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!” (Ma-thi-ơ 23:38).
Ghi chú: Dân Do Thái đã làm đầy tràn ly tội ác của họ bằng sự từ chối cuối cùng và đóng đinh Đấng Christ, và họ đã đàn áp các môn đồ của Ngài sau khi Chúa sống lại. Xin đọc Ma-thi-ơ 23:29-35; Giăng 19:15; Công vụ 4–8.
Nghe những lời này, các môn đồ đã có những câu hỏi nào?
“Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế” (Ma-thi-ơ 24:3).
Ghi chú: Sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem và dân tộc Do Thái là hình bóng của sự hủy diệt cuối cùng tất cả các đô thị và các quốc gia trên thế giới. Sự mô tả của hai sự kiện dường như được trộn lẫn với nhau. Các lời tiên tri của Đấng Christ không những nói về Giê-ru-sa-lem mà còn nói về sự xung đột lớn cuối cùng; những lời này không những chỉ phán với các môn đồ đầu tiên, mà còn cho những người sống trong thời kỳ cuối cùng của lịch sử thế giới. Đấng Christ đã cho các dấu hiệu chắc chắn, cả về sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem và sự Tái lâm của Ngài.
Đấng Christ phán khi nào sự cuối cùng sẽ đến?
“Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14).
Ghi chú: Năm 60 S.C., trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, sứ đồ Phao-lô đem phúc âm đến La Mã, lúc đó là thủ đô của thế giới. Năm 64 S.C., ông viết cho các thánh đồ “người nhà Sê-sa” (Phi-líp 4:22), và nói rằng phúc âm đã được “giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời” (Cô-lô-se 1:23). Sau đó chẳng bao lâu (tháng 10 năm 66 S.C.) quân đội La Mã bắt đầu tấn công Giê-ru-sa-lem; thành và nước Do Thái đã bị thất thủ sau ba năm rưỡi, khi tướng Titus bao vây thành trong năm tháng, vào mùa xuân và mùa hè năm 70 S.C.
Như vậy, điều này chỉ về sự cuối cùng của nước Do Thái; và việc tương tự cũng sẽ xảy ra vào ngày cuối cùng. Khi phúc âm về nước Đấng Christ sắp đến đã được giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân, thì sự cuối cùng sẽ đến. Như sự cuối cùng của nước Do Thái đến với sự hủy diệt dữ dội, thì sự cuối cùng của trái đất cũng vậy. Ha-ma-ghê-đôn, cuộc chiến toàn cầu sẽ xảy ra, và thế gian sẽ bị quét sạch với chổi hủy diệt của bảy tai nạn sau cùng (Khải huyền 16:14-16).
Dấu hiệu nào cho biết về sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem?
“Vả, khi các ngươi sẽ thấy quân lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn phá thành ấy gần đến” (Lu-ca 21:20).