Trong vòng hai tháng vừa qua, liên tiếp tôi đã dự hai tang lễ của hai người thầy của tôi, hai vị mục sư tiền phong của hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm, cụ Mục sư Phạm Thiện và cụ Mục sư Lê Hựu. Tuy Đức Chúa Trời đã cho hai cụ sống thọ trên 90 năm, nhưng tôi biết nỗi buồn mất cha của các người bạn tôi cũng không thua gì nỗi buồn của một đứa trẻ thơ không còn cha cho mình trông cậy hay chăm sóc nữa.
Người Việt có câu, “Còn cha gót đỏ như son, một mai cha mất gót con lấm bùn,” và người ta ví vai trò người cha trong cuộc đời một đứa con là, “Con có cha như nhà có nóc.”
Trong hầu hết mọi văn hóa và văn minh của nhân loại, người cha được xem như là người chu cấp và bảo vệ gia đình. Người cha như cái nóc nhà. Nóc nhà không chỉ là để che nắng che mưa không thôi mà còn là để giữ bốn vách tường lại với nhau, bằng không chỉ cần một cơn giông gió nhẹ, bốn vách tường sẽ rung rinh và đôi khi còn ngả ra bốn ngã.
Kinh Thánh dạy rằng loài người cũng có một Người Cha thiên thượng. Đức Chúa Trời là cha của chúng ta. Ngài là Đấng bảo bọc và che chở chúng ta. Ngài là Người Cha cao cả nhất. Ngài thương loài người vì chúng ta là con cái của Ngài, vì Ngài đã tạo dựng nên chúng ta. Ngài đã gọi chúng ta là con Ngài. Ngài biết chúng ta là con Ngài. Và Ngài đã nhất quyết không để cho một đứa con nào của Ngài phải lạc mất.
Khi dạy cho các môn đệ của mình học biết cách cầu nguyện, Đức Chúa Jesus đã dạy họ, khi các ngươi cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, các ngươi hãy gọi Ngài bằng Cha, “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Đức Chúa Jesus nhắc cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là cha chúng ta. Chúng ta luôn luôn có Cha chúng ta lắng nghe lời cầu xin của mình. Chúng ta có một Người Cha ở bên cạnh mình bất cứ lúc nào, khi chúng ta vui hay buồn, Người Cha ấy đều cận kề và không bao giờ làm ngơ những lời tha thiết của con cái Ngài.
Đối với cá nhân tôi, tôi thấy đó là điều hãnh diện không chi bằng! Cha của tôi là Đức Chúa Trời tối cao, Ngài là Đấng đã tạo dựng nên cả vũ trụ. Đức Chúa Giê-su đã nói, “Hãy xem loài chim trời: Chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng quý trọng hơn loài chim sao?” (Ma-thi-ơ 26:6).
Chúng ta có những người may mắn còn có người cha nơi trần thế; Và chúng ta cũng có những người, như chính bản thân tôi hay các bạn tôi – các con của hai cụ mục sư Phạm Thiện và Lê Hựu, không còn cha sống với mình nữa. Nhưng niềm an ủi cho hết thảy chúng ta rằng, dầu vậy, chúng ta vẫn còn có một Người Cha nhân từ và độ lượng, thương yêu chúng ta vô cùng, là Người Cha sẽ sống hoài bên chúng ta, bảo bọc và che chở chúng ta. Chúng ta là những hoàng tử và công chúa của một vì vua trên thiên quốc, và là kẻ thừa kế cơ nghiệp nơi nước Ngài.
Người Cha thiên thượng ấy lại cũng rất gần gũi với mọi đứa con của Ngài. Vì vua thi sĩ Đa-vít đã nói, “Đức Giê-hô va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì [Vì Ngài đã ban bố cho tôi tất cả]” (Thi thiên 23:1). Và Ngài là một Đấng thủy chung, trước sau như một, không thay đổi. Ngài chỉ có một bộ luật pháp, không cần phải tu chỉnh hay đổi thay, Ngài không thay đổi đường lối chính trực của Ngài, Ngài không thay đổi cá tính của Ngài. Ngài là Đấng công bình và Ngài đồng nghĩa với Sự Yêu Thương. Ngài là Nguồn Cội của Tình Yêu. Không biết Ngài, không ai có thể biết yêu là gì. Vậy mà Ngài lại chính là Cha chúng ta. Ngài đã nhận chúng ta làm con của Ngài. Tôi không thể tưởng tượng được có điều vinh dự và hạnh phúc nào hơn.
Cầu xin trong Mùa Lễ Tri Ân Từ Phụ, mỗi một người chúng ta hãy lắng lòng và suy tưởng lại mối tương quan mình có với Cha thiên thượng của mình. Hãy nghĩ đến cá tính của Ngài và những điều Ngài đã làm cho bản thân bạn. Hãy nghĩ đến ơn phước Ngài đã ban cho bạn trong những hồi thịnh vượng, và cũng hãy nhớ lại Ngài đã không hề lìa bỏ bạn trong những lúc bạn gặp cảnh ngộ suy tàn. Ngài luôn luôn ở kế bên, Ngài đã yêu bạn đến độ hy sinh cả Đấng Yêu Quí nhất của Ngài là Đức Chúa Giê-su đặng chết thay cho tội lỗi của bạn, để bạn được thánh sạch hầu xứng đáng mặt đối mặt với Đức Chúa Cha.
Tôi biết tôi là một người con có phước vô ngần.
Nguyễn Thị Ngọc Liên