Văn-Thơ-Truyện

Hoàng Tử Và Phản Thần (Phần 3)

(Tiếp theo Nguyệt San số 189, tháng 3/2012)

Chẳng bao lâu sau, vị thủ tướng phản loạn này có rất đông người theo. Thầy Lắm kể tiếp. Nhà Vua biết rõ ràng tên phản thần và vây cánh của hắn sẽ phải khốn khổ nếu họ bỏ luật pháp yêu thương mà chỉ sống theo ý thích mình. Ngài thấy rõ ràng kết quả của cuộc phản loạn sẽ là ganh tỵ, thù hiềm, chiến tranh, khốn khổ và chết mất. Ngài phải làm gì với việc này đây?

– Ngài phải giết ông thủ tướng xấu xa đi! Thằng bé mà mọi người gọi là Tèo, góp ý.

Thầy Lắm đáp:

– Ngài có thể giết ông ta cách dễ dàng, nhưng Ngài không làm vậy.

– Tại sao không? Thanh hỏi.

– Vì từ trước đến giờ những thần dân trung thành của nhà Vua chưa từng thấy cuộc phản loạn nào cả. Họ chưa biết điều ấy tàn ác đến mực nào. Một số đông còn thán phục vị thủ tướng và nếu Vua giết ông ta liền, họ sẽ không hiểu tại sao Ngài làm như vậy. Họ sẽ nghĩ rằng vì Vua của họ tàn ác quá đi và chắc chắn họ sẽ có tình cảm với vị thủ tướng hơn.

– Rồi nhà Vua làm sao? Trung hỏi.

– Ngài để kẻ phản thần cứ sống và lập chánh phủ của nó, bấy giờ mọi người có thể so sánh chánh phủ của nhà Vua và chánh phủ của vị thủ tướng để coi chánh phủ nào tốt hơn.

– Hay! Ý hay tuyệt. Cụ Sáu nói. Có việc gì xảy ra cho chánh phủ của tên phản loạn kia? Họ có thật gặp rắc rối không?

– Có chớ! Không ai yêu mến ai cả. Không có luật pháp, cũng không trật tự. Mạnh ai nấy muốn làm gì thì làm. Một số tay chân của tên phản loạn muốn có thế lực và tranh đấu để có thế lực. Một số khác muốn khoái lạc cho nên họ ăn uống say sưa đến mang bệnh. Nhiều người muốn giàu có, nên họ giết người cướp của để làm giàu. Chẳng bao lâu trọn quốc gia phản loạn đều đầy dẫy những vụ lưu huyết và khốn cùng.

– Tên phản loạn có ân hận không? Tèo hỏi.

– Không, nó không ân hận đâu em ơi. Lòng nó trở nên chai đá đến nỗi nó chỉ vui thực sự khi thấy dân chúng khốn khó. Nhưng nhà Vua lại hối tiếc giùm họ. Ngài biết rằng họ đã bị lừa dối và một số lớn sẽ trở về với Ngài nếu họ có thể thoát khỏi quyền thế của tên phản loạn.

Tôi đã nói cho các bạn rằng luật pháp của chánh phủ hoàng gia là yêu thương, và chính Vua là tấm gương chói sáng của tình yêu ấy vì Ngài yêu ngay cả kẻ thù Ngài. Ngài đã nghĩ đến một phương cách để cứu chuộc họ, để tha thứ cho họ và đem họ trở về làm thần dân của Ngài như xưa. Cách Ngài chiến đấu với tên phản loạn để khôi phục lại quốc gia phản loạn là câu chuyện lạ lùng nhất trong mọi lịch sử.

– Nhưng điều đó có ăn nhập gì với chúng ta đâu? Thanh hỏi.

– Có nhiều điều lắm em ơi! Giáo viên đáp và tiếp: Em biết không, chúng ta đều được sanh ra trong quốc gia phản loạn. Chúng ta hiện đang sống trong thế giới đã chối bỏ luật pháp yêu thương trọng đại của nhà Vua – tức thế giới mà người ta sống để thỏa mãn ý thích của mình – một thế giới của hận thù và kinh hãi.

Cụ trưởng ấp đứng dậy hỏi lớn:

– Có phải ông muốn nói rằng quốc gia phản loạn là thế giới của chúng ta đây chăng?

Thầy Lắm đáp:

– Chính thế! Chúng ta sống trong thế giới đã bị hủy hoại bởi tên phản loạn ấy. Chúng ta đều ở dưới quyền thế của hắn. Cũng vì vậy mà chúng ta gặp không biết bao nhiêu khó khăn và thống khổ ở đời. Nhưng tôi rất vui mừng mà nói cho các bạn hay, chúng ta có một lối thoát. Tôi muốn cho các bạn biết về vì Vua quyền thế kia là Đấng thật sự làm chủ thế gian này. Tôi muốn nói về tình yêu và chương trình của Ngài để giải phóng các bạn khỏi tội lỗi và đau khổ.

– Vậy chớ vì Vua chủ tể thế gian này là ai? Cụ Sáu hỏi trong hoang mang.

– Và ai là tên phản loạn đó? Thanh hỏi tiếp theo. Ông muốn ám chỉ gì khi nói rằng chúng ta ở dưới quyền lực của hắn? Tôi chưa bao giờ gặp hắn kia mà.

Thầy giáo đáp:

– Những câu hỏi ấy hay lắm nhưng hôm nay tôi không có đủ thì giờ để trả lời hết được. Nếu muốn ngày mai tôi sẽ trở lại để nói cho các bạn biết nhiều hơn về vì Vua này.

– Phải đó. Thầy nhớ trở lại nhé. Chúng tôi muốn nghe.

Thanh đứng yên trong khi những người khác tiễn thầy Lắm ra đường. Nó nghĩ: Có lẽ ông thầy này sẽ trả lời những câu hỏi của mình được.

(Xem tiếp kỳ sau)

Beatrice Short Neall

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button