Tôi vừa trở về sau hai tuần lễ, rất may mắn, được viếng thăm Đất Thánh Jerusalem và miền đất của hai quốc gia Israel và Jordan. Những nơi chúng tôi được ghé thăm là nơi chôn dấu những cổ thành xưa nhất của thế giới. Được tận mắt chứng kiến những tàn dư của các thành trì vĩ đại do tay người tạo nên mới cảm nhận được sự vĩ đại huy hoàng của các cổ thành nầy. Chúng tôi được ghé thăm thành Sê-sa-rê (Caesarea), một thành rất lớn nằm cạnh, và được xây ra tận ngoài khơi, biển Địa Trung Hải. Herod Đại đế (73 TC – 4 SC) đã xây thành nầy và đặt tên nó đặng vinh danh vua Sê-sa A-gút-tơ đương thời. Tại đây, chính sứ đồ Phao-lô đã đến giảng dạy, làm chứng về niềm tin vào Đức Chúa Jesus Cứu Thế của ông trước mặt các quan tổng trấn của chính quyền La Mã, và cũng là nơi ông đã bị cầm tù hai năm trước khi bị giải về La Mã để chịu án tử hình.
Chúng tôi được viếng thăm đền thờ thành Giê-ru-sa-lem. Ngày xưa, vua Sa-lô-môn đã xây một đền thờ huy hoàng cho Đức Chúa Trời, nhưng đền thờ ấy đã bị tàn phá khi dân Y-sơ-ra-ên bị vua Nê-bu-cát-nết-xa bắt dẫn độ về Ba-by-lôn để làm phu tù. Hơn 600 năm sau, Herod Đại đế đã xây dựng lại một đền thờ Giê-ru-sa-lem mới trên chỗ của đền thờ cũ. Ngày nay, những tàn tích, các khoảnh tường, những bậc thang mà du khách đến chiêm ngưỡng là tàn tích của đền thờ vua Herod xây. Các cuộc khảo cổ và khai quật vẫn còn diễn tiến cho chúng ta thấy nó đã đồ sộ và nguy nga đến ngần nào.
Chúng tôi được ghé thăm rất nhiều đô thị do người La Mã xây tại vùng Cận Đông theo biểu đồ của thành La Mã, thủ đô của họ. Mỗi thành đều có các đền thờ, hí trường, vận động trường, đấu trường, sân đua xe ngựa, các nhà tắm hơi kiểu La Mã, và các hệ thống dẫn nước cho toàn thành phố; Mỗi thành rộng lớn cho cả gần 500,000 dân. Có trên 10 cổ thành như vậy khắp miền Israel và Jordan, mà ngày xưa, Kinh Thánh Tân Ước đã gọi là Đề-ca-pô-li (Decapolis).
Dấu vết sự huy hoàng và vĩ đại của các thành ấy vẫn còn thấy được qua những tàn dư mà chúng ta chứng kiến được ngày nay. Mọi nơi chốn đều khắc ghi dấu vết của các triều đại đã đến và đã đi qua chúng. Những cường quốc của quá khứ như Hy Lạp, và La Mã đều để dấu sự văn minh của họ trên các thành nầy. Nhưng các thành ấy, thảy đều đã bị tàn phá vì những đại nạn nào đó (Động đất, chiến tranh) và đã trở nên hoang phế; Chúng đều đã trải qua những thời gian bị bỏ hoang không người ở và trở thành nơi trú ngụ của loài thú hoang. Tất cả những vàng son của một thời vang bóng nào đó, ngày nay chỉ là những đổ nát điêu tàn. Chứng kiến những di tích này, lòng tôi vừa tràn ngập niềm cảm kích đối với sự khôn ngoan và tài năng tinh vi của những kẻ đi trước mình 2000, hoặc 3000 năm trước; Nhưng đồng thời tâm tôi không khỏi thấm thía được cái triết lý rằng trên đời nầy, không một điều gì có thể bền vững đời đời và trường tồn mãi mãi. Cho dầu các cường quốc, các triều đại bách chiến bách thắng đến thế nào trong lịch sử, ngày nay họ cũng chẳng còn nữa.Tôi càng ý thức được rằng, chỉ duy có một điều không bao giờ bị tàn phá hay nhạt phai, và một Đấng không bao giờ đổi thay ấy là chỉ có một Đức Chúa Trời là chủ tể của muôn loài, và Ngài có quyền trên toàn cả vũ trụ, và Ngài là Đấng trước sau như một, muôn đời không đổi thay, và chúng ta có thể tín nhiệm nơi Ngài và nơi tình yêu của Ngài. Y như lời Kinh Thánh đã nói, “Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi,” (Hê-bơ-rơ 13:8) và “Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va vì Ngài là thiện; Sự nhơn từ Ngài còn đến đời đời” (Thi thiên 118:29); Vì “Thuở xưa Chúa lập nền trái đất, Các từng trời là công việc của tay Chúa. Trời đất sẽ bị hư hoại, song Chúa hằng còn; Trời đất sẽ cũ mòn hết như áo xống; Chúa sẽ đối trời đất như cái áo, và nó bị biến thay; Song Chúa không hề biến cải, các năm Chúa không hề cùng” (Thi thiên 102:25-27).
Nguyễn Thị Ngọc Liên