Một triết gia trong cơn hấp hối, các học trò đứng quanh giường chờ giờ lâm tử. Vị thầy cố gắng trong hơi kiệt sức tàn, ra hiệu cho các đồ đệ đến gần, thật sát, rồi thều thào, “Các con hãy nhìn kỹ đây.” Ông há miệng ra, chỉ vào, đồ đệ chẳng biết thầy mình muốn gì. Cố gắng thêm một chút, ông hỏi, “Các con thấy răng ta còn không?” Mọi người đáp lời, “Không còn cái nào cả, thưa thầy,” nhưng vẫn không hiểu thầy mình đang muốn gì! Thầy lại há miệng rồi hỏi, “Các con thấy lưỡi ta còn không?” Càng ngạc nhiên hơn, nhưng các đồ đệ vẫn đồng thanh trả lời, “Bạch thầy, lưỡi vẫn còn ạ!”
Triết gia gắng gượng thì thầm, “Các con ơi! Sự dịu dàng mới là sức mạnh. Cái gì cứng rắn rồi cũng sẽ tiêu mất, nhưng sự mềm mại thì trường tồn. Các con hãy nhớ đến răng và cái lưỡi để biết cách xử sự trong mọi giao tiếp ở đời.” Nói rồi, triết gia trút hơi thở, để lại bài học cuối cùng về sự mềm mại, như một vũ khí cho sự thành công lâu dài trong mọi lãnh vực giao tiếp.
Nhiều người cho rằng trong tất cả mọi sự giao thiệp ở đời phải áp dụng song song cả sự cứng rắn và mềm mỏng, thì mới đạt được kết quả mong muốn. Điều này cũng đúng trong một số trường hợp, song thực tế cho thấy, một tinh thần nhu mì và cách đối xử dịu dàng vẫn mang lại những kết quả lớn lao hơn, đặc biệt trong sự chinh phục lòng người. Dầu là một kẻ dữ tợn và hung hãn nhất, vẫn không thể hồ đồ trước một thái độ mềm mỏng và cảm thông.
Đức Chúa Trời đến với Ê-li không phải trong “Ngọn gió mạnh thổi dữ dội, trong cơn động đất, hay trong đám lửa,” nhưng toàn thể sức mạnh của quyền năng Ngài đã hiện hữu trong “Một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ” (I Các Vua 19:11, 12). Sự mềm mại là một trong chín trái Thánh Linh. Hãy nghĩ xem chúng ta đã thể hiện sự mềm mại bao nhiêu trong cách cư xử hằng ngày của mình với mọi người.
“Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; Hãy lấy lẽ kính nhường nhau” (Rô-ma 12:10).
Mục sư Dương Quang Thoại
Trích “Chấp Cánh Cho Tâm Hồn Bay Cao”, tr. 187