Kinh Thánh Cựu Ước ghi lại lịch sử của dân Do Thái thời cổ. Họ là một dân được Đức Chúa Trời chọn và biệt riêng. Ngài gọi dòng dõi họ là dân thánh của Ngài. Ngài truyền bảo họ phải có một lối sống theo các nguyên tắc Ngài đã định. Ngài chỉ dạy họ từ lối sống, cách dinh dưỡng thế nào để giữ gìn sức khỏe và bảo tồn giống nòi. Ngài hướng dẫn họ thành lập một xã hội có trật tự và thiết lập những luật lệ để sống hòa thuận và nhân lành. Vì từ dòng giống của dân Do Thái ấy, Đức Chúa Trời đã dự định Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Jesus sẽ ra đời. Chúa Jesus sẽ sống trên trần như con người và Ngài sẽ phải hy sinh chịu chết thay cho tội lỗi của nhân loại.
Gần 3500 năm trước khi Đức Chúa Jesus sinh ra đời, dân Do Thái vì hoàn cảnh đã trở thành nô lệ tại xứ Ai Cập. Đức Chúa Trời phải giải cứu con dân Ngài ra khỏi vòng nô lệ, ra khỏi đời sống bị ô-nhiễm bởi các sự thờ lạy đủ loại tà thần và cách sống không đúng theo sự dạy dỗ của Chúa. Việc dân Do Thái được cứu ra khỏi Ai Cập là một sự kiện lịch sử phi thường. Mỗi lần khi người Do Thái (Y-sơ-ra-ên) có lòng yếu đuối hay nghi ngờ tình yêu hoặc quyền năng của Đức Chúa Trời, thì sự kiện lịch sử ấy là một bằng chứng nhắc nhở cho họ biết rằng Đức Chúa Trời có thể làm được mọi sự, và Ngài không bao giờ quên con dân Ngài.
Vì lẽ ấy, người Y-sơ-ra-ên giữ Lễ Vượt Qua là ngày kỷ niệm việc Đức Chúa Trời đã giải cứu họ ra khỏi vòng nô lệ, ra khỏi xứ Ai Cập và đã đưa họ đến một vùng Đất Hứa dành cho riêng họ.
Khi Đức Chúa Jesus xuống trần gian, sống nơi trần thế, Ngài cũng giữ lễ kỷ niệm ấy. Buổi tiệc cuối cùng mà Đức Chúa Jesus dự với các môn đệ của Ngài là buổi tiệc Lễ Vượt Qua. Vì sau buổi ăn ấy, Ngài đã bị bắt và bị nộp vào tay những người muốn ám hại Ngài lúc ấy, những người theo đạo Chúa ngày nay gọi buổi tiệc ấy là Tiệc Thánh.
Kinh Thánh Tân Ước ghi lại tỏ tường diễn biến của buổi Tiệc Thánh cho đến khi Đức Chúa Jesus bị bắt, ra án trường, và bị giết. Nhưng điều quan trọng hơn hết, là Đức Chúa Jesus tuy đã phải trải qua sự thương khó, gánh chịu những điều đau đớn cùng cực cho đến chết, Ngài đã sống lại. Sự sống lại của Ngài chứng tỏ sự chết đã không cầm giữ được Ngài, mà Ngài đã chiến thắng sự chết. Đó là niềm tin của mỗi Cơ Đốc nhân, họ cũng sẽ vượt thắng sự chết và hưởng một sự sống vĩnh hằng.
Đức Chúa Jesus trút linh hồn vào chiều ngày thứ sáu, nằm trong mồ mả qua ngày thứ bảy, rồi đến ngày thứ nhất của tuần lễ (Ngày chủ nhật) sau Lễ Vượt Qua thì Ngài sống lại. Cơ Đốc nhân ngày nay kỷ niệm ngày Lễ Phục Sinh để tưởng nhớ sự hy sinh của Đức Chúa Jesus và sự sống lại trong chiến thắng của Ngài.
Diễn biến của những giờ phút cuối cùng, sự thương khó của Chúa và sự sống lại của Ngài đã được ghi lại trong tất cả bốn sách Phúc Âm của Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 26-28; Mác 14-16; Lu-ca 22-24; Giăng 18-20. Dưới đây là vài đoạn Kinh Thánh (*) ghi lại sự chết và sự phục sinh của Chúa:
Sự chết của Đức Chúa Jesus (Giăng 19:28-36)
“Sau đó Ngài nói, ‘Ta khát.’ Tại đó, có một cái bình đựng đầy giấm nên họ lấy một miếng bọt biển nhúng đầy giấm, buộc vào cành bài hương rồi đưa đến gần miệng Đức Chúa Jesus. Khi đã nhận lấy giấm, Đức Chúa Jesus nói: ‘Mọi việc đã hoàn tất!” Rồi Ngài gục đầu xuống, trút linh hồn.”
“Hôm ấy là ngày Chuẩn Bị, nên những người Do Thái e ngại những xác chết vẫn còn bị treo trên thập tự giá trong ngày Sa-bát, vì ngày Sa-bát nầy rất trọng đại. Do đó, họ yêu cầu Phi-lát cho đánh gãy ống chân những người (Bị treo tử hình) ấy, và hạ xuống. Vậy những người lính đến đánh gãy ống chân của người thứ nhất, rồi đến người kia, là người cùng bị đóng đinh với Ngài. Nhưng khi đến chỗ Đức Chúa Jesus, họ thấy Ngài đã chết rồi, nên không đánh gãy ống chân Ngài.”
“Những điều nầy xảy ra để được ứng nghiệm lời Kinh Thánh: ‘Chẳng một xương nào của Ngài sẽ bị gãy.‘”
Sự an táng Đức Chúa Jesus (Giăng 19:38-42)
“Sau đó, Giô-sép người A-ri-ma-thê, một môn đồ âm thầm theo Đức Chúa Jesus vì sợ người Do Thái, xin Phi-lát cho nhận thi hài của Đức Chúa Jesus. Phi-lát cho phép. Vậy ông đến và nhận thi hài của Ngài. Ni-cô-đem, người trước đây đã đến (Đàm đạo) với Đức Chúa Jesus trong ban đêm, cũng đến, đem theo một trăm cân mộc dược trộn với lô hội. Họ lấy thi hài của Đức Chúa Jesus và dùng vải gai với thuốc thơm quấn lại theo tục lệ khâm liệm của người Do Thái. Tại nơi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh có một khu vườn, và trong khu vườn đó có một mộ mới, chưa chôn ai. Vì hôm ấy là ngày Chuẩn Bị của người Do Thái và ngôi mộ ấy ở gần, nên họ an táng Đức Chúa Jesus tại đó.”
Sự phục sinh của Đức Chúa Jesus (Mác 16:1-8)
“Ngày Sa-bát qua rồi, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ, và Sa-lô-mê mua hương liệu để đi xức xác Đức Chúa Jesus. Ngày thứ nhất trong tuần lễ, từ sáng sớm, khi mặt trời vừa mọc, ba người đã đến mộ. Họ nói với nhau: ‘Ai đã lăn tảng đá khỏi cửa mộ cho chúng ta?’ Nhưng khi nhìn lên, họ thấy tảng đá đã được lăn ra rồi; Đó là một tảng đá rất lớn. Vào trong mộ, họ thấy một thanh niên mặc áo dài trắng, ngồi bên phải thì vô cùng kinh ngạc. Nhưng người đó nói với họ: ‘Đừng kinh hoảng! Các ngươi tìm Đức Chúa Jesus người Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh trên thập tự giá. Ngài sống lại rồi, không còn ở đây nữa. Hãy đi xem nơi an táng Ngài. Hãy đi, báo cho các môn đồ Ngài và Phi-e-rơ rằng Ngài đang đến Ga-li-lê trước các ngươi. Tại đó, các ngươi sẽ thấy Ngài như Ngài đã phán với các ngươi.’ Vừa ra khỏi mộ, các bà đều chạy trốn vì quá kinh ngạc và run sợ. Họ chẳng dám nói gì với ai vì quá khiếp đảm.”
Kinh Thánh ghi lại sau khi Đức Chúa Jesus đã sống lại, Ngài hiện ra cho các môn đồ và các kẻ tin Ngài, và tiếp tục làm phép lạ. Bốn mươi ngày sau đó, Ngài đã thăng thiên về trời trước mặt các môn đồ tại núi Ô-li-ve, “Sau khi phán những điều ấy xong, Ngài được cất lên trong lúc các môn đồ đang nhìn xem Ngài. Có một đám mây tiếp Ngài đi khuất đi khỏi mắt họ. Đang khi họ chăm chú nhìn lên trời lúc Ngài ngự lên, kìa, có hai người nam mặc áo trắng đứng gần họ và nói: ‘Hỡi người Ga-li-lê, sao các ông cứ đứng nhìn lên trời như thế? Đức Chúa Jesus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ông, cũng sẽ trở lại như cách các ông đã thấy Ngài lên trời vậy.‘” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:9-11).
* Các đoạn Kinh Thánh được trích từ Bản Truyền Thống Hiệu Đính.
Ngọc Liên