Một triết gia ở Pháp nói rằng, “Cả thế giới tha thiết tìm kiếm an ninh và hạnh phúc.” Một triệu phú ở Texas tâm tình, “Tôi tưởng đâu tiền có thể mua hạnh phúc—tôi đã bị tan vỡ ảo tưởng.” Một tài tử nổi tiếng nghẹn ngào, “Tôi có tiền, sắc đẹp, quyền rũ, và quần chúng yêu mến. Tôi phải là người hạnh phúc nhất trên đời, nhưng tôi buồn thảm vô cùng. Tại sao?”
Một người đàn ông đến bác sĩ tâm thần và hỏi, “Thưa Bác sĩ! Tôi cô đơn, chán nản, và khổ sở. Bác sĩ có thể giúp tôi không?” Bác sĩ đề nghị người đàn ông đi rạp xiếc và gặp anh hề nổi tiếng, vì anh hề sẽ làm người chán nản nhất cũng phải cười. Người đàn ông trả lời, “Tôi là người hề ấy.”
Người Cơ Ðốc có quan niệm khác biệt về ý nghĩa của hạnh phúc. Theo C. S. Lewis, “Niềm vui là điều quan trọng của thiên đàng.” Mẹ Teresa nói, “Sự thánh thiện gồm có việc làm theo ý muốn của Chúa, với nụ cười.” Chúa Giê-su phán, “Ta đã đến hầu cho chiên [loài người] được sự sống, và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10). Và Ngài nói tiếp, “Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của ta ở trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn” (Giăng 15:11).
Hơn 2500 năm trước, tiên tri Ê-sai nhìn dân chúng tìm kiếm sự an ninh và hạnh phúc, nhưng tìm sai chỗ. Họ chạy vào những nơi buôn bán và vui chơi, xài tiền một cách điên cuồng cho những gì không đưa đến hạnh phúc lâu dài. Ông đứng trước dân chúng một ngày kia và đọc lời của Chúa, “Ai khát, hãy đến với Ta mà uống! Dù không tiền, cũng cứ đến mua mà ăn! Cứ mua sữa và rượu, khỏi trả tiền! Sao lại phí tiền mua thức ăn không có chất dinh dưỡng? Sao lại đi mua thực phẩm ăn độn cho no mà không bổ ích gì? Các con nghe đây, ta sẽ chỉ cho các con chỗ tìm được thức ăn dinh dưỡng và béo bổ cho tâm hồn” (Ê-sai 55:1, 2, BDY). Tóm lại tiên tri muốn hỏi, “Các ngươi có tìm được hạnh phúc không?”
Ê-sai không phải nêu ra câu hỏi mà không có câu trả lời. Ông khuyên họ đừng tìm mỏ vàng cuối mống (chuyện thần thoại), nhưng bắt đầu tìm hạnh phúc trong tâm về Ðấng Yêu Thương. Ðó là sự giao thông với Chúa.
Có hai loại hạnh phúc. Một là hạnh phúc đến khi tất cả hoàn cảnh đều tốt đẹp và không gặp rắc rối. Nhưng hạnh phúc nầy thật ra chỉ tạm thời, phù du. Khi hoàn cảnh hay môi trường thay đổi thì loại hạnh phúc nầy biến mất giống như sương trong buổi bình minh, lúc mặt trời lên. Ðôi lúc chúng ta lừa dối mình và nói, “Tôi vui lắm,” nhưng tận đáy lòng buồn thảm vô cùng.
Loại hạnh phúc thứ hai là vui mừng không thuộc vào ngoại cảnh—hạnh phúc nầy còn mãi mãi. Bất kỳ khó khăn hay trở ngại, giàu hay nghèo, gặp nạn hay không gặp nạn, vẫn thấy hạnh phúc (bình an). Loại hạnh phúc nầy được kể trong Các Phước Lành của bài giảng trên núi:
“Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!
Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!
Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!
Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!
Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!
Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Ðức Chúa Trời!
Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Ðức Chúa Trời!
Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!” (Ma-thi-ơ 5:3-10).
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh