Một học giả Việt Nam nổi tiếng đầu thế kỷ trước – ông Nguyễn Văn Vĩnh – trong các công trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam đã có một nhận xét rất dí dỏm là người Việt mình có tánh hay cười. Theo ông thì không hẳn chỉ vui mới cười, mà cái cười được biểu lộ trong mọi mặt của đời sống, từ chuyện trong nhà, ngoài đường, chuyện thôn trên xóm dưới, chuyện xã hội ngoài đời, chuyện quan chuyện dân, chuyện trai gái, già trẻ, văn chương thi phú, thôi thì đủ chuyện cái gì cũng có thể cười được. Chẳng vậy mà dân tộc ta được kể là dân tộc có lối sống lạc quan nhờ thế mới tồn tại được qua bao thế đại khi đất nước vốn dĩ luôn bị giặc ngoại xâm, thiên tai lũ lụt, mùa màng thất bát, đói kém triền miên.
Cũng luận về cái cười, người Cơ Đốc mình thường được khuyên bảo nên nở nụ cười, vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, tất nhiên không phải vui về những chuyện tầm phào mà nói năng điều gì thì nụ cười tựa như miếng trầu là đầu câu chuyện, thêm mặn mà ân hậu trong quan hệ giao lưu. Thậm chí thầy thuốc họ cũng nói một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, kết luận khoa học mới nhất cho biết người hay cười có khả năng thọ hơn người cáu gắt… 7 tuổi. Cho nên cười được là tốt, tìm dịp mà cười khi Chúa đã cảnh báo ngày buồn thì nhiều mà cuộc đời thì ngắn ngủi. Hẳn bà xã tôi phần nào có lý khi post trên tủ lạnh gia đình cái lô-gô, try to smile/life is short (Cố mà cười/cuộc đời thì ngắn ngủi) để nhắc các thành viên trong gia đình hãy nở nụ cười với nhau, đừng để những bực mình, vướng bận của cuộc sống làm nét mặt trở nên khó khăn với người thân của mình.
Cũng có người nói ối cha, ai chẳng muốn cười, nhưng mà cười không nổi! Quả thật khi cuộc sống tự nó đã phức tạp, mà những mối liên hệ cộng đồng càng làm cho phức tạp thêm thì gia đình nào, cá nhân nào, trong hay ngoài đạo mà chẳng phải đối phó với chuyện cơm áo gạo tiền, cụ thể từ chuyện gia đình, hôn nhân, con cái, học hành, việc làm, thu nhập, ăn uống, nhà cửa, xe cộ, bảo hiểm, trả bills hàng tháng… đủ thứ phải lo nhất là trong thời kỳ kinh tế khó khăn, tuy mỗi nhà mỗi cảnh nhưng đều có những âu lo, thách thức giống nhau. Chưa nói đến tùy từng thời điểm rồi cũng có qui luật của sinh lão bệnh tử, có mất mát, đổ vỡ, khánh tận, mất việc làm, họa vô đơn chí…. Nhưng một khi hiểu được như vậy, cũng đừng quá bi quan, hãy tạo dịp nhờ sức Chúa mà vượt qua.
Nhân tiện, tôi được biết một gia đình cũng con cái Chúa, trải qua hàng chục năm xa chồng xa cha do hệ quả người cha đi cải tạo, ông rất đỗi ngạc nhiên khi trở về gia đình thấy là nhiều lúc có những khó khăn bế tắc trong cuộc sống, nhưng mấy mẹ con cứ tìm dịp là cười với nhau, cũng chẳng phải giả bộ làm như vậy để tạo niềm vui gượng gạo, vì có lúc phát bực ông đã phải thốt lên, không hiểu đến nước này mà mấy mẹ con còn cười được, vợ ông trả lời, không như vậy chắc không sống nổi đến lúc bố nó về. Dần dà tìm hiểu ông mới biết nhờ theo cái đạo ở nhà thờ Phú Nhuận (hồi chưa tin kính gia đình ông hay gọi danh xưng này) mà mấy mẹ con đã quen chịu đựng với nghịch cảnh nên mới có một thái độ và lối sống như thế. Chính ông sau này cũng tin Chúa, nhưng có tật hay lo nên vẫn chưa hòa nhập được với lối sống lạc quan như vợ con ông, nhưng ông nhìn nhận có được môt thái độ như vậy là một ơn phước không phải dễ tìm hay mua được trong cuộc sống nếu không có Chúa. Quả thật chuyện gì rồi Chúa cũng mở đường, kết thúc luôn luôn có hậu, chứ có lo cũng chẳng giải quyết được gì.
Mới đây tôi có nghe một bản nhạc, người soạn nhạc là phái nữ, cô kêu gọi, “Xin hãy cho nhau nụ cười”, cũng là tên của bài hát làm tựa đề cho bài viết của tôi. Tôi tâm đắc với phần ca từ, trùng với một ý được ghi trong Kinh Thánh, khi anh đến hai bàn tay không/ khi tôi đến đôi chân trụi trần, ta chẳng có chút gì đeo mang/ sao bây giờ nặng gánh trần gian? Rồi cô khuyên mọi người, xin hãy đến cho nhau nụ cười/ xin hãy đến cho nhau tình người/ xin hãy tốt với nhau cho đời nở hoa.
Cầu Chúa ban ơn và xin đừng tiếc nhau những nụ cười để cho cuộc đời thực sự nở hoa.
Đỗ Thảo Du
Cali, tháng 5/2010
*xin quí tín hữu vào YouTube & nghe dư âm của bài hát như một sự đồng cảm với tác giả bài viết. http://www.youtube.com/watch?v=lHcl-jGWilM&feature=channel