Sau bữa cơm trưa bên bờ ruộng, tôi định tiếp tục làm cho xong đám cỏ để về nhà sớm, nhưng cơn buồn ngủ đã ập đến. Thôi mình trở vào nhà đánh một giấc, xế chiều hãy ra làm cỏ, đến chạng vạng tối là xong. Nghĩ sao làm vậy, tôi men theo hàng rào định vào nhà, nhưng có dáng người đứng trước cửa làm tôi khựng lại. Thụp người xuống hàng rào, tôi nhìn kỹ người khách đang đứng quay lưng ra. Ông trưởng lão! Không thể nào lầm được với ai khác vì dáng người gầy gò và mái tóc bạc phơ của ông. Ông lại đến thăm tôi nữa rồi!
Nước mắt tôi trào ra, tôi bò dọc theo hàng rào trở ra ruộng để cho ông không phát hiện sự có mặt của mình. Giờ này, hai con tôi đã đi học buổi chiều nên cửa nhà đóng. Nghĩ rằng ông trưởng lão chờ mãi mà không thấy ai chắc cũng sẽ nản lòng mà quay về thôi. Tôi thầm nhủ, “Bố ơi! Con tủi hổ lắm! Bố đừng đến thăm con nữa.” Làm sao tôi có thể gặp ông trong khi tôi bỏ nhà thờ cả tháng nay để lo đi làm kiếm tiền cho hai con tôi ăn học. Chồng tôi đi miệt Thứ biền biệt, làm ăn thua lỗ phải đi làm mướn, lâu lắm mới về thăm vợ con một lần. Tiền bạc không có, tôi cũng chẳng nói chi; tôi bảo anh ở nhà ăn rau cháo với vợ con, nhưng anh chẳng nghe lời nhỏ to hơn thiệt của tôi. Anh xấu hổ vì làm ăn thất bại nên ra đi nữa. . .
Vì miếng cơm manh áo cho hai con, lắm khi tôi đến thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát! Ban trị sự đến thăm viếng, động viên. . . tôi chỉ ngồi khóc. Sau đó ông trưởng lão đến thăm mang cho tôi mười kg gạo, một chai dầu ăn, đường và bảo là quà của hội thánh. Tôi tìm hiểu mới biết đó là quà của riêng ông, vì hội thánh còn nghèo, làm sao bảo bọc được những người như tôi?! Kể từ đó, mỗi khi tôi vắng mặt ở nhà thờ vài tuần là “ông bố già” lại đến thăm tôi, lễ mễ đem theo chia sớt cho “con, cháu” những thứ gì ông có. Hai con tôi gọi ông là “ông ngoại”, còn tôi thì nửa đùa nửa thật gọi ông bằng “bố”. Chúa ơi! Con còn tay còn chân, làm sao con dám nhận sự “viện trợ” của một cụ già ốm yếu cô đơn chỉ sống lây lất bằng chút tiền lương hưu còm cõi?
Hình ảnh ông trưởng lão chơ vơ đứng trước cửa nhà làm cho cơn buồn ngủ của tôi tan biến đi. Tôi trở ra miếng ruộng tiếp tục làm cỏ. Trời buổi trưa nắng gắt, mồ hôi vã ra như tắm, tôi thèm được dầm mình dưới làn nước thanh khiết của ao sen trong vườn mát mẻ làm sao. Tôi chợt nhớ ra mình đã để dành cho “ông bố” một món ăn mà ông rất thích là gần chục cái gương sen. Tại sao tôi không vào nhà hái đưa cho ông? Nước mắt và mồ hôi của tôi nhỏ xuống mảnh ruộng. Mỗi ngày tôi đem sức lao động của mình đi làm cỏ mướn hoặc cấy thuê cho bà con trong làng. Ruộng nhà, chồng tôi đã cầm cố làm vốn đi buôn, và đã tiêu sạch rồi. Anh muốn vợ con được no ấm, nở mày nở mặt với người ta, đâu ngờ làm ăn lỗ lã khiến chồng vợ xa lìa, con cái thiếu thốn thảm thương, chỉ có một mình tôi nuôi dạy. Đức tin của tôi chưa đủ lớn để làm tròn bổn phận một con cái Chúa trong hoàn cảnh khó khăn. Chúa ơi! Hãy tha tội cho con, vì quá khổ, quá nghèo con không thường xuyên đến thờ phượng Chúa!
Trời đã về chiều, miếng ruộng đã sạch cỏ, chủ ruộng chắc hài lòng lắm vì vài hôm nữa sẽ tỉa mạ. Tôi thu xếp đồ đạc ra về. Đến nhà, tôi mở nắp lu nước rửa mặt, chợt tôi sững sờ hoảng hốt vì thấy hai chân người chìa ra trước cửa nhà tôi. Đôi dép mòn ở nơi ngạch cửa, bộ đồ ka ki sờn gấu bạc màu. . . . Ông trưởng lão đang ngồi dựa lưng vào góc khuất của lu nước ngủ một giấc ngon lành. Nhìn ông với mái tóc ngắn bạc phơ, đôi mắt kính trễ xuống sống mũi và hơi thở khò khè của ông lòng tôi vô cùng xúc động. Tay ông tựa trên một túi khoai, một giỏ bắp. Trên miệng giỏ có cắm hai cái chong chóng màu đang quay tròn trong gió. Tôi lay ông dậy mà nước mắt đầm đìa, “Bố ơi! Bố tha lỗi cho con!”
Ông choàng tỉnh, nụ cười hiền lành lại nở trên môi. Tôi dìu ông dậy, “Con có tội với bố nhiều lắm. Bố ngủ như vậy mà trúng gió thì con làm sao chuộc tội nổi hở bố?” Tôi khóc nức nở còn ông thì. . . cười, giơ lên hai cái chong chóng màu, “quà của cháu ngoại bố đây con xem, bố làm có đẹp không? Mớ khoai mớ bắp nầy người ta cho, bố chia đôi với con đó. Con không nhận thì đừng gọi ta là bố.
Sau khi cầu nguyện ông trưởng lão an ủi tôi, “Con biết không? ‘Đức Giê-hô-va xa cách kẻ ác; nhưng Ngài nghe lời cầu nguyện của người công bình’” (Châm ngôn 15:29).
Hai con tôi vừa tan trường về đến. Chúng sung sướng cầm chong chóng chạy chơi trong sân. Ông trưởng lão cười chúm chím nhìn hai cháu. Tôi lẹ làng ra ao nhà bẻ gương sen để biếu “bố”. . .
Từ ngày đó cho đến nay, tôi thường xuyên đến thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát. Tâm linh tôi được trưởng thành nhờ sự dìu dắt của ông trưởng lão. Gia đình tôi dần dần bớt khó khăn. Miếng ruộng của tôi đã được chuộc lại. Điều tôi vui mừng nhất là chồng tôi đã đầu phục Chúa (theo sự dẫn dắt của ông trưởng lão) và cùng với hai con vừa làm phép Báp-têm.
Giờ đây mỗi khi nhớ lại những ngày tháng tăm tối vất vả thiếu thốn trước kia, lòng tôi thắm thía nỗi biết ơn Cứu Chúa Giê-su đã hy sinh để chuộc tội nhân loại trên cây thập tự. “Ta yêu mến những người yêu mến ta, phàm ai tìm kiếm ta sẽ gặp ta” (Châm ngôn 8:17). Tôi không bao giờ quên ơn cha nuôi của mình là ông trưởng lão, người vẫn thường nhắc tôi lời Chúa, “Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó” (Giăng 15:7).
Trúc Oanh
Trích Tuyển tập Vị Mặn Cho Đời.