Năm 1871, Spafford đã dồn hết tài sản của mình để đầu tư vào bất động sản, nhưng toàn bộ gia tài của ông đã bị mất sạch bởi cơn hỏa hoạn ở Chicago (1871). Trước đó không lâu, ông đã trải qua nỗi mất mát đứa con trai của mình, giờ lại thêm thảm kịch này. Vì vậy, muốn cho vợ và bốn người con gái được tĩnh dưỡng khuây khỏa sau những sóng gió đó, ông đã đăng ký một chuyến đi Châu Âu cho cả gia đình vào năm 1873.
Vào tháng 11 năm ấy, vì có công việc đột xuất nên ông buộc phải ở lại Chicago, và đành để vợ cùng bốn người con gái đi trước theo chuyến đi đã đăng ký trên chuyến tàu S. S. Ville du Havre. Spafford nghĩ rằng mình sẽ bắt kịp họ một vài ngày sau.
Ngày 22/11 con tàu ấy đã đụng phải chiếc Lochearn và chìm xuống lòng biển sâu. Spafford đang ngồi ở nhà thì ông chợt nhận được bức điện tín của vợ ông với một dòng chữ duy nhất, “Chỉ một mình em sống sót!”
Spafford vội xuống tàu để vội đi đến gặp người vợ đau khổ của mình. Và khi con tàu đi ngang qua điểm xảy ra tai nạn, nơi chôn vùi bốn người con gái của ông, ông đã thốt lên những lời sau để bày tỏ sự đau thương của mình, “Đang khi sự bình tịnh dường sông chảy suốt nẻo đời, hoặc lúc đớn đau như ba đào sôi. . .”
Tuy nhiên, ông không quá chăm chú vào sự mất mát mà vẫn nhận ra rằng cho dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, Chúa vẫn luôn ở cùng chúng ta. Ông tiếp tục, “Dầu số kiếp thế nào, Christ hằng nhủ, nói đêm ngày, an bình thay, tâm linh ơi, bình an thay!”
Và những lời đầy đức tin của ông đã được phổ nhạc để trở nên một bài Thánh Ca rất nổi tiếng. (Thánh Ca Cơ Đốc tiếng Việt số 165).
Ngày hôm nay cũng vậy, có lẽ cũng có nhiều lúc chúng ta không hiểu tại sao Chúa lại cho phép một số chuyện đau thương xảy đến trong cuộc đời chúng ta. Trong những phút thử thách ấy, liệu chúng ta cũng sẽ như Spafford vẫn trông cậy nơi Đức Chúa Trời và tìm thấy sự bình an nơi Ngài hay không?
Khi cuộc đời của chúng ta đầy những thăng trầm như Gióp, liệu chúng ta cũng có thể nói như ông đã nói, “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài” (Gióp 13:15) hay không?
Mục Sư Trần Quốc Khôi