Một trong các sứ đồ không hề mệt mỏi trong việc làm chứng về Chúa cho dân ngoại trong thời Tân Ước phải nói là sứ đồ Phao-lô. Ông đã đi đến nhiều thành quanh vùng Địa trung Hải, nơi tụ hội giao lưu của nhiều nền văn minh, văn hóa, nhiều ngôn ngữ, sắc dân, là địa bàn trao đổi thương mại từ Âu sang Á, cũng là những nơi có thói tục thờ đa thần, chưa hề biết đến Đức Chúa Trơì mà hiện thân là Đức Chúa Giê-su để quay về thờ lạy.
Trên đường đi đến các thành, Phao-lô đã trải qua bao hiểm nguy trên sông nước, bão tố trên biển khơi, của bạo quyền ngăn trở, rình rập bắt bớ, tra khảo tù đầy, của đói khát, đánh đập, trần truồng. Lại có lúc bị làm trò cười nơi phố chợ, bị chế diễu nơi nhà hội, bị ném đá nơi cửa thành, bị rượt đuổi nơi nhà trọ, nhưng ông vẫn kiên trì, dạn dĩ, vượt qua nguy nan để gieo hạt giống thuộc linh cho các hội thánh ban đầu tại những nơi những thành ông đã đi qua. Không phải đến rồi đi, bị đuổi rồi chạy, bỏ rơi những tín đồ của hội thánh Chúa, ngược laị ông luôn luôn gìn giữ mối quan hệ chặt chẽ bằng các thư thánh do chính tay ông viết và được sự soi dẫn của Thánh Linh để tiếp tục, dạy dỗ, khuyên nhủ, khích lệ, răn bảo con cái Chúa trong các mối quan hệ cộng đồng. Một trong những sứ điệp được coi là tinh túy của giáo lý Cơ Đốc là Tình Yêu Thương, được sứ đồ Phao-lô triển khai một cách trọn vẹn trong lá thư gửi các tín đồ thành Cô-rinh-tô.
Nói đến tình yêu thương thì sứ đồ Giăng, một đồng môn của sứ đồ Phao-lô, cũng là một môn đồ được Đức Chúa Giê-su tin yêu, đã khẳng định rằng “Đức Chúa Trơì là sự yêu thương” (I Giăng 4:8), và chính vì yêu thuơng thế gian “đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời”(Giăng 3:16). Vậy nếu ai đã đến với Đức Chúa Trời, đã biết Ngài, đã tin Ngài thì tất nhiên phải hiểu được ý nghĩa của tình yêu thương vì Ngài là Tình Yêu Thương.
Sứ điệp cơ bản này đã được các tôi tớ Chúa giảng đi giảng lại hàng ngàn năm kể từ ngày Đức Chúa Giê-su xuống trần gian, hy sinh rồi sống lại để cứu chuộc thế gian, nhưng muốn thể hiện tình yêu thương một cách đầy đủ trong cuộc sống tin kính hàng ngày thì chẳng phải đơn giản, dễ dàng mà làm được.
Trở lại sách I Cô-rinh-tô, trong đó có một chương duy nhất viết về tình yêu thương, dù chỉ vỏn vẹn có 13 câu, nhưng lối viết của Phao-lô được thể hiện vừa cụ thể dễ hiểu, vừa trong sáng dễ nghe, vừa giản dị dễ nhớ, vừa bóng bảy dễ cảm nhận khiến tôi tớ Chúa thời cận đại bà Ellen G. White phải nhìn nhận đây là một trong những chương “tuyệt vời” nhất của toàn bộ Kinh Thánh.
Ta hãy xem Chương 13 Phao-lô viết gì về tình yêu thương. Ông viết bản chất con người vốn hay ghen tị, lên mình kiêu ngạo và ham tư lợi, nên ai có tình yêu thương sẽ không sa vào các thói tật này. Nhờ có tình yêu thương, con ngươì sẽ gớm sự dữ, mến sự lành, chẳng vui về sự không công bình, chẳng làm điều trái phép. Ông cũng chỉ ra cho con cái Chúa hiểu rằng tình yêu thương giúp cho ta có lòng nhân từ, biết nhịn nhục, chẳng hề nóng giận, lại biết dung thứ mọi sự, nín chịu mọi sự, trông cậy mọi sự và tìm được niềm vui trong lẽ thật.
Đại để diễn dịch nôm na thì như vậy, nhưng Phao-lô lại mô tả một cách rành rọt, cụ thể để khi nhắc đến tình yêu thương không ai trong chúng ta còn thấy phức tạp, khó hiểu. Phao-lô còn đi xa hơn khi đưa ra một gợi ý là yếu tố nào được xem là quan trọng nhất đối với Cơ Đốc nhân, “cho nên bây giờ có ba điều này: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương, nhưng điều trọng hơn ba điều đó là tình yêu thương”(I Cô-rinh-tô 13:13).
Là những ngươì tin kính, chúng ta hiểu được mức quan trọng của đức tin và niềm trông cậy, thiếu hai yếu tố này khó mà đưa ta đến với Chúa và vô nước thiên đàng. Nhưng Phao-lô nhấn mạnh:
* dù đức tin có dời được núi, nếu không có tình yêu thương thì cũng chẳng ra gì.
* dù có sự trông cậy mà không có tình yêu thương thì điều đó cũng chẳng ích chi.
Cho nên tình yêu thương vẫn là vượt trội hơn cả.
Ca dao Việt có câu, “thương người như thể thương thân,” thân của mình thì bao giờ cũng quí. Chúa cũng dặn bảo yêu người như thể yêu ta. Chữ “ta” ở đây vừa chỉ bản thân mình, vừa chỉ Chúa ở trên cao (vì Chúa hay xưng với môn đệ của mình là Ta). Cũng một thể ấy, nếu yêu người như yêu mình thì mặc nhiên đã hiểu được ý Chúa, “Các ngươi hãy yêu nhau cũng như Ta đã yêu các ngươi” (Giăng 15:12).
Làm được như vậy, lòng và trí sẽ thanh thản, không còn vương mắc bởi bon chen, tị hiềm, bởi ảo vọng, hư không, từ đó dẫn đưa con người tìm được “niềm vui trong lẽ thật” mà chỉ có Tình Yêu Thương mới đem đến cho ta sự vui mừng và bình an.
Đỗ Xuân Thảo
(nhân đọc I Cô rinh tô, chương 13)
0 304 4 minutes read