Ga-la-ti 4:9-11. Có phải việc giữ Ngày Sa-bát không còn cần thiết nữa?
“Nhưng hiện nay anh em biết Đức Chúa Trời, lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa, sao còn trở hướng về lề thói hèn yếu nghèo nàn đó mà suy phục nữa ư? Anh em hãy còn giữ ngày, tháng, mùa, năm ư? Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em” (Ga-la-ti 4:9-11).
Sứ đồ Phao-lô cũng nhắc đến cùng vấn đề nầy trong Rô-ma 14.
Người Do Thái giữ hai loại ngày lễ khác nhau: Ngày Sa-bát của Mười Điều Răn, là điều Thượng Đế Đức Chúa Trời thiết lập từ trước khi tội lỗi vào trong địa cầu nầy (đọc Sáng Thế Ký đoạn 2), và những ngày sa-bát lễ nghi, là những ngày lễ được thiết lập sau khi tội lỗi vào thế gian.
Ngày Sa-bát của Mười Điều Răn được ban cho bởi chính lời phán ra từ miệng Đức Chúa Trời; còn những ngày sa-bát lễ nghi kia được nói ra từ miệng Môi-se. Ngày Sa-bát của Điều Răn Thứ Tư được chính ngón tay Đức Chúa Trời viết trên đá; những ngày lễ khác được Môi-se viết trong những sách luật. Khi Đức Chúa Giê-su đến thế gian nầy, Ngài đã làm trọn những luật nghi lễ của Môi-se. Đó là những luật và nghi lễ dạy dỗ dân Do Thái ghi nhớ về sự cứu rỗi sẽ đến bởi Con của Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Giê-su bỏ mình hy sinh chết thay tội lỗi loài người, Con Đức Chúa Trời đã hoàn tất lời hứa cứu rỗi. Khi Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh, những luật lệ nghi lễ của Môi-se cũng đã được đóng đinh theo sự chết của Ngài nơi Thập Giá. Nhưng Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời thì không bị xóa bỏ, vì là Luật Pháp của Đức Chúa Trời ban truyền từ thuở ban đầu.
Khi chúng ta tiếp nhận Đức Chúa Giê-su làm Đấng Trả Giá Chuộc Tội cho chúng ta, không có nghĩa là chúng ta không còn bị ràng buộc bởi Mười Điều Răn nữa. Đâu có nghĩa là chúng ta được quyền nói láo, giết người, hay phạm tội tà dâm? Điều răn về Ngày Sa-bát cũng nằm trong một bộ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.
Lý do sứ đồ Phao-lô viết những lời nầy vì lúc ấy các Cơ Đốc nhân gốc Do Thái đang bắt bẻ những Cơ Đốc nhân gốc người Ga-la-ti và Rô-ma, và đòi hỏi họ cũng phải giữ những ngày lễ nghi của người Do Thái. Đó là Lễ Vượt Qua, và tất cả các ngày lễ của quốc gia Do Thái, như Ngày Đại Lễ Chuộc Tội, Ngày Tiệc Các Tiếng Kèn, và những ngày lễ khác. Phao-lô chỉ nói một cách giản dị rằng, “Tại sao các anh lại bắt những người không gốc Do Thái phải giữ những nghi lễ chỉ về hình bóng của sự hy sinh hầu đến của Đức Chúa Giê-su? Tại sao phải giữ những nghi lễ ấy khi sự hy sinh thật của Đức Chúa Giê-su đã xảy ra rồi?” Khi Phao-lô nói những lời “Anh em hãy còn giữ ngày, tháng, mùa, năm ư ”, nầy ông không nói về Ngày Sa-bát của Mười Điều Răn mà là những ngày lễ nghi của luật Môi-se.