“Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích lợi cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16, 17).
Lời Chúa như một kho tàng quí báu. Lời Chúa là ánh sáng soi nơi tối tăm. Chúng ta nên sao lãng thế gian tạm bợ hơn là sao lãng Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã bày tỏ rằng qua Kinh Thánh, lẽ thật sẽ liên hệ đến con người.
Tôi thật đau lòng khi thấy rằng có những người đang trông chờ sự xuất hiện của Đức Chúa Giê-su trên những đám mây mà tư tưởng còn bị lôi cuốn bởi những điều không có thực. Thế giới tràn đầy những loại sách vở giống như vậy. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một việc làm rõ ràng, chúng ta không nên xây qua những điều khác, dùng thì giờ và truyền bá sách báo không có ích lợi. Cơ Đốc Giáo là một cơ hội để thực tập hăng say, và những kẻ có Chúa trong lòng mới bước đi như Ngài. Chúng ta sẽ tham gia vào công việc của Đức Chúa Trời. “Vì mọi vật đó phải tiêu tan thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào, trong khi chờ đợi trông mong ngày Đức Chúa Trời mau đến. . .” (II Phi-e-rơ 3:11, 12).
Đức Chúa Trời thường không thực hiện những phép lạ trước lẽ thật của Ngài. Nếu một nông dân sao lãng nuôi dưỡng đất sau khi gieo hạt, thì Đức Chúa Trời cũng không thể làm phép lạ để sửa chữa kết quả của sự lơ là đó. Mùa gặt đến, nông dân sẽ thấy đồng ruộng của mình trơ trụi. Đức Chúa Trời làm việc theo những nguyên tắc đã ban cho con người, và phần việc của chúng ta là đặt kế hoạch khôn ngoan và thực hành bằng những phương tiện rồi Đức Chúa Trời sẽ ban cho kết quả. Những kẻ không chút cố gắng, nhưng chờ Đức thánh Linh bắt phải hành động, sẽ thất bại.
Chúng ta không nói với người khác ngồi đợi phép lạ. Bạn sẽ dùng những phương tiện gì nếu Đức Chúa Trời đưa tới tầm tay của bạn? Nếu bạn hỏi một vài người hy vọng vào quyền năng siêu nhiên trong việc làm, họ sẽ đơn giản trả lời, “Hãy tin, hãy tin”. Nếu bạn trình cho Đức Chúa Trời để trông mong vào sự bầy tỏ của Ngài, Ngài sẽ phán rằng, “Con nên” hoặc “Con không nên.” Chúng ta nên nghiên cứu những ẩn dụ về ta-lâng, và nhận thức rằng Chúa đều cho mọi người một khả năng, phải thực tập và phát huy khả năng đó.
Bạn không thể ngồi yên, không làm công việc gì cho Chúa. Có một công việc, một công việc cần thiết để làm cho Ngài hầu vượt qua những thói quen tội lỗi đã bị lời Chúa lên án. Bạn tranh đấu để chống lại những điều xấu, cố gắng thoát khỏi những liên hệ gây thương tổn, học lời Chúa và cầu xin quyền phép thánh thiện chống lại thế gian, xác thịt và ma quỉ. Bạn cần ánh sáng từ nơi Chúa hằng ngày để giữ vững đức tin.
Một người không chịu làm gì cho Chúa chờ tới khi bị thúc đẩy mới làm sẽ chẳng làm nên việc gì. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta lời hằng sống, điều này không đủ sao? Bạn đã không nghe được tiếng phán trong lời Ngài ư? Nếu bạn dùng những phương tiện Ngài đã chỉ định và tra cứu Kinh Thánh, cùng với sự cương quyết vâng theo lẽ thật, bạn sẽ biết được sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ không bao giờ thực hiện phép lạ để bắt buộc bạn nhìn ra lẽ thật. Đức Chúa Trời đã ban Con một của Ngài chết trên thập tự tại núi Sọ để mọi người được cứu.
Đấng Cơ Đốc đã chết cho một thế gian băng hoại, và qua công đức Ngài, Đức Chúa Trời đã chọn rằng con người sẽ có sự thử thách lần thứ nhì, một sự rèn luyện lần thứ nhì, một cuộc thi lần thứ nhì về sự tuân giữ các điều răn hoặc theo con đường chống nghịch như A-đam đã làm. Qua sự hy sinh vô đối, Đức Chúa Trời đã tạo điều kiện cho con người nên thánh trong đời này. Chắc chắn họ sẽ được tuyển chọn cho đời sống vị lai, qua thái độ vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời. Những cảm xúc mạnh mẽ, sự thúc giục và ý muốn tha thiết vì thiên đàng, khi nghe mô tả đời sống vị lai sẽ không có nghĩa rằng bạn được chọn để ở với Đấng Cơ Đốc trên trời.
Thế gian đang thiếu thốn luật pháp của Đức Chúa Trời, Cơ Đốc nhân được lựa chọn để trung tín và nên thánh. Họ được chọn để vâng phục luật pháp của Ngài.
Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta. Không gì có thể mở mang, làm vững mạnh tinh thần bằng Kinh Thánh. Không một sự nghiên cứu nào sẽ nâng cao tâm linh và làm mạnh mẽ những khả năng như lời hằng sống này. Sự hiểu biết của hằng ngàn thầy giảng bị sa sút bởi vì đầu óc họ vướng mắc nhiều điều tầm thường, và không cố gắng tìm tòi kho báu dấu kín trong lời Chúa. Khi chú ý đến lời Ngài, sự hiểu biết được rộng mở, khả năng tìm kiếm lẽ thật được nâng cao. Nếu tâm trí không được nâng cao để có nỗ lực mạnh mẽ, bền bỉ trong việc tìm hiểu lẽ thật bằng cách so sánh những lời trong Kinh Thánh thì chắc chắn đầu óc họ sẽ bị thu hẹp. Chúng ta nên để hết tâm trí tìm kiếm lẽ thật
Những mục sư giảng dạy lẽ thật Kinh Thánh hiện nay đem sứ điệp về đặc tánh quan trọng nhất đến cho mọi người, họ phải nghiêm túc để hiểu rõ ý nghĩa về sự cứu chuộc. Họ phải hiểu điều kiện gì con người được cứu và làm thế nào con người sẽ được về thiên đàng với Chúa. Qua sự không vâng phục, con người đã sa ngã và cứ tiếp tục không vâng phục thì họ được Đức Chúa Trời chấp nhận ư? Họ cứ tiếp tục phản loạn rồi thích ứng được với thiên đàng sao?
Các mục sư giảng dạy lời Chúa, “Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Giê-su Christ là Đấng đã xét đoán kẻ sống và kẻ chết, nhơn sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng: hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hay đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (II Ti-mô-thê 4:2).
Các mục sư không được giảng dạy về ý tưởng của người, cũng không kể chuyện huyền thoại, ca ngợi sự trình diễn trên sân khấu, không nói về mình; vì họ đang ở trước sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và đang giảng lời Ngài. Đừng coi nhẹ trong công việc truyền đạo, nhưng hãy giảng dạy về lời Chúa, gây ấn tượng nghiêm chỉnh cho người nghe. Không nên để người truyền đạo xen những tư tưởng riêng tư và quan điểm tưởng tượng, chỉ nên trình bày lời Chúa một cách trung thực.
Phao-lô lưu ý một số thầy giảng xuyên tạc Kinh Thánh, nhưng họ sẽ đứng trước Quan An công bình mà trả lời về việc làm của họ.
Có nhiều cơ hội không được tận dụng vì các mục sư nhận thấy không thuận lợi, nhưng ngay cả những trường hợp bị cấm đoán, Đức Chúa Trời cũng làm cho lẽ thật của Ngài được ghi vào lương tâm người nghe, “Vừa sáng sớm, khá gieo giống ngươi, và buổi chiều chớ nghỉ tay ngươi; vì ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt, hoặc giống này, hoặc giống kia, hoặc là cả hai đêu sẽ ra tốt” (Truyền đạo 11:6).
Sa-tan bày cho con người nhiều lý lẽ bào chữa và thoái thác làm cho họ sao lãng bổn phận giảng lời Chúa, cảnh cáo những ai đang đi sai đường và trình bày lẽ thật cho họ khỏi bị hư mất. Thầy giảng nào thích làm bài giảng sẽ gặp bất lợi về sự nói quá nhiều mặc dù mọi lời đều cần thiết, nhưng ông sẽ mỏi mệt và không còn khuynh hướng và sức khỏe để tham gia công tác cá nhân khi ông có cơ hội đến riêng từng người một.
Mục sư nên sẵn sàng mở Kinh Thánh, và tùy trường hợp cần thiết, đọc lời quở trách, cảnh cáo hoặc an ủi những kẻ nghe. Ông nên giảng về lẽ thật.
Có nhiều thầy giảng sao lãng, không kiên nhẫn với những người họ tiếp xúc. Họ chuyển qua cho các thầy giảng khác để tiếp tục làm; vì họ không muốn mất tình bạn của những người họ đã khổ công có được. Nếu những thầy giảng liên hệ đúng lúc với những người sai lầm thì họ sẽ tránh được sự gia tăng những sai lầm đó và cứu được họ khỏi sự hư mất. Nếu thầy giảng sao lãng việc quở trách và muốn người khác làm thế, thì những người bị quở trách sẽ có cảm tưởng rằng thầy giảng đã không chỉ cho họ biết và như vậy là thầy giảng tốt. Điều này không phải vậy. Ông chỉ là thầy giảng vui vẻ, mà không là người cộng tác với Đức Chúa Trời để triệt hạ tội lỗi.
Trong đức tánh nhu mì của Đức Chúa Giê-su, bạn nên làm việc để có nhiều kinh nghiệm cho công việc truyền giáo. Bạn sẽ bày tỏ đau buồn vì tội lỗi, nhưng không biểu lộ tánh nóng nẩy trong sự quở trách lỗi lầm. Tất cả nỗ lực của bạn là dạy dỗ và nhịn nhục; nếu bạn thấy kết quả nghèo nàn, bạn đừng vội nản. Kinh nghiệm này kêu gọi sự bày tỏ của lòng kiên nhẫn, nhịn nhục. Hãy tiếp tục làm việc, hãy thận trọng, hãy nhận thức rõ ràng khi cần nói hoặc cần im lặng.
Phao-lô khuyên Ti-mô-thê, “Hãy giảng đạo,” nhưng còn có việc khác phải làm—“bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi.” Việc làm này không thể bị sao lãng. Các thầy giảng bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy chăm sóc các linh hồn khi họ đã làm chứng. Họ phải thực tập cẩn thận. Theo dõi mọi điều, coi chừng mưu chước Sa-tan, kẻo bạn sẽ bị dối gạt không thỏa lòng trong công việc.
Những khó khăn không hăm dọa hoặc khuyến khích bạn. Hãy giữ cho tâm trí quân bình và xây dựng đức tính, gặp những khó khăn, cố gắng vượt qua để có nhiều kinh nghiệm. Hãy làm chức vụ gieo giống—tưới nước và chăm sóc để hạt giống sẵn sàng mọc.
Khi một hội thánh mới được thành lập, không nên sao lãng sự giúp đỡ, chăm sóc. Mục sư nên phát triển ta-lâng trong hội thánh. Hãy tiến hành những cuộc truyền giảng hữu ích. Ti-mô-thê được yêu cầu đi từ hội thánh này đến hội thánh khác, xây dựng các hội thánh trong đức tin bền vững. Ông làm công việc truyền bá tin lành, là chức vụ quan trọng hơn cả đối với một muc sư.
Hãy khẳng định rằng bạn sẽ không né tránh những việc làm không vừa ý và kiên nhẫn để giữ gìn linh hồn người khác. Thật ra, nếu là Cơ Đốc nhân chúng ta sẽ có cùng một tinh thần như Chúa, Đấng đã chết cho sự hư mất của chúng ta. Chúng ta sẽ thương kẻ lầm đường lạc lối, kẻ có tội, an ủi, khuyến khích họ trong khi họ sai lầm. Chúng ta phải canh chừng những linh hồn yếu đuối. Chúng ta phải nắm chắc rằng chúng ta đang bày tỏ một tình yêu thánh hóa, không phải vì ân huệ. Thế gian có nhiều điều giả dối, nhưng không thể tồn tại đối với Chúa.
Chúng ta phải dương cao biểu ngữ của Đấng Vĩnh Cửu cho thế giới biết. Nếu chúng ta thành thật với Đức Chúa Trời trong những việc nhỏ, chúng ta sẽ có một sự kiên định khi chúng ta được kêu gọi để đi tới một quyết định khôn ngoan, chúng ta sẽ bước gần Chúa hơn để cùng nhau làm việc với Đức Chúa Trời.
Ellen G. White
Chuyển Ngữ: Trần Minh Loan
0 321 9 minutes read