Tương truyền ở phía nam Châu Ký có hai quả núi Thái Hành và Vương Ốc, dài 700 dặm, cao hơn muôn thước. Chung quanh cây cối mọc rập rạp, rất tiện cho ác thú trú ẩn để hại người. Việc đi lại vì thế trở nên khó khăn. Ngu Công, nhà ở chân núi, mới hợp vợ con lại, bàn việc bạt phẳng hai quả núi nầy. Bà vợ nói, “Ông tuổi đã 90, sức không bạt nổi cái gò, làm thế nào phá được hai cái núi? Mà dù có sức phá được, thì đất và đá sẽ đem đổ đi đâu?” Ngu Công đáp, “Đem đổ cả ra biển đông.” Sau đó ông đem hết con cháu ra phá núi. Người ở quanh vùng thấy thế cũng hè nhau phụ giúp.
Gần đó có một ông lão tên Trí Tẩu thấy thế, can rằng, “Sao mà khờ thế? Mình thì tuổi tác, núi thì cao, phá thế nào nổi?” Ngu Công đáp, “Chỉ sợ người không bền lòng mà thôi, bền lòng thì việc gì cũng làm được. Ta già ta chết, đã có con ta. Con ta chết, sẽ có cháu ta. Hết đời cháu ta, sẽ có chắt ta. Con cháu chắt tiếp nối nhau sinh sản vô cùng, mà núi thì vẫn đứng nguyên, lo gì không bạt nổi.”
Người ta thường nói, có chí thì nên. Ngoài ra, nếu chúng ta có đức tin thì không việc chi chúng ta không làm được. Đức Chúa Giê-su phán, “Ta bảo các con, nếu các con có đức tin lớn bằng hạt cải, các con có thể bảo hòn núi này rằng: ‘Hãy dời qua bên kia,’ thì nó sẽ dời đi. Không có gì các con không làm được” (Ma-thi-ơ 17:20, BDM).
Nếu chúng ta có đức tin tức là chúng ta tin nơi Phúc Âm. Và quyền năng của Phúc Âm đối với người công chính là điều tối quan trọng. “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Phúc Âm vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin. . . Vì trong Phúc Âm ấy sự công chính của Đức Chúa Trời được tỏ ra từ đức tin đến đức tin như Kinh Thánh chép: ‘Này, người công chính sẽ sống bởi đức tin’” (Rô-ma 1:16, 17, BDM). Khi Đức Chúa Giê-su bị Sa-tan cám dỗ sau thời gian kiêng ăn 40 ngày đêm trong đồng hoang, Ngài phán cùng quỷ dữ, “Con người sống không phải chỉ nhờ bánh, nhưng cũng nhờ mọi lời phán của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4, BDM).
Cũng vì đức tin mà chúng ta được xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời. Mặc dù vậy, tất cả các động lực trong mọi hành động của chúng ta cần phản ảnh tình yêu thương. “Dù tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chỉ như tiếng cồng khua vang hay chập chỏa inh ỏi. Dù tôi được ân tứ nói tiên tri và hiểu biết tất cả mọi huyền nhiệm cũng như tri thức, dù tôi có tất cả đức tin đến nỗi có thể dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi vẫn không là gì cả. Dù tôi phân phát tất cả gia tài của tôi cho người nghèo, và hy sinh thân thể để chịu thiêu đốt, nhưng không có tình yêu thương thì cũng chẳng ích lợi gì cho tôi” (I Cô-rinh-tô 13:1, 2, BDM).
Đời sống của những con dân trung tín của Đức Chúa Trời cần thể hiện đức tin trong tình yêu thương. “Các con yêu dấu! Chúng ta hãy yêu thương lẫn nhau, vì tình yêu thương xuất phát từ Đức Chúa Trời. Ai thương yêu thì đã được Đức Chúa Trời sinh ra và nhận biết Đức Chúa Trời. Ai không yêu thương thì không biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (I Giăng 4:7, 8, BDM).
Đào Thanh Khiết
0 318 3 minutes read