“Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người. . . Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi. . . Nếu người không chịu nghe. . . thì hãy cáo cùng Hội thánh” (Ma-thi-ơ 18:15a, 16a, 17a).
Vua Tự Đức có nuôi hai con hạc. Hạc quen hơi người, không cần nhốt trong chuồng. Ngày nọ, chó gần hoàng cung chui qua lỗ rào vào vườn vua, cắn hạc chết. Vua rất giận, truyền điều tra và xử nặng. Thông báo được vua phê cho truyền ra: “Hạc của vua nuôi tại sân rồng, ai cũng phải biết, trên cổ hạc có đeo thẻ hoàng cung. Nay chó nhà dân vào cắn chết, chủ chó phải chịu tội tử hình thay chó, vì nuôi chó mà không biết dạy chó.” Viên quan chủ chó nghe tin, khủng hoảng chạy nhờ ông Vũ Phạm Khải vốn là thầy dạy chữ của vua Tự Đức cứu giúp cho.
Ông Vũ Phạm Khải xin yết kiến vua và tâu: “Thần trộm nghĩ chó và hạc đều là vật. Cả hai không biết nói, không biết chữ. Hạc đeo thẻ đề hạc nhà vua, chó cũng không biết, giả sử có xưng danh được thì chó cũng không hay. Chó cắn chết hạc là do cái thói cắn nhau của hai con vật, có đâu lại bắt chủ chó thế mạng. Nếu bản án thi hành sau nầy thành án lệ, lỡ có ngày chó hoàng cung cắn chết gà nhà dân hay cắn chết người ta, không biết sẽ nghị án ra sao. Luật triều đình là áp dụng cho cả thiên hạ, chớ không phải chỉ riêng cho chủ chó và chó của dân. Vả lại, nếu bản án nầy thi hành, thần không biết thiên hạ sẽ nghĩ thế nào về uy đức của bệ hạ và luật pháp triều đình. Xin được bệ hạ xét lại.” Nghe xong, vua Tự Đức cấp tốc hạ lệnh hủy bỏ bản án và không bàn đến nữa.
Mọi việc cần xét có tình có lý. Chỉ nghĩ phiến diện theo quan điểm của mình, bạn sẽ có những quyết định sai lầm. Không nên giải quyết hậu quả mà bất chấp nguyên nhân. Việc gì cũng có lý do của nó, vì thế khi cân nhắc một vấn đề từ nguồn cội sẽ có cách hành xử khôn ngoan. Trong hội thánh và gia đình cần lưu tâm đến cách đối xử với nhau.
Mục sư Dương Quang Thoại
(Trích Ánh Đuối Soi Đường)