Cách nay mấy ngày, tôi nhận được “Tuyển Tập Thơ Văn Xuân Thu 2003,” do Cơ Sở Xuân Thu – Lạc Việt tại San Jose, California xuất bản. Quyển sách khiêm nhượng, non 300 trang nầy, có nêu lên tiểu sử Tam ngữ Văn thi sĩ Bạch Vân Bùi Trọng Hợp. Sở dĩ được mệnh danh như thế là vì ông viết văn và làm thơ dùng một lượt cả ba ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp. Ông được vinh danh “Thi sĩ Ưu tú Thế kỷ 20” do Trung tâm Sưu tầm Tiểu sử tại Đại học Cambridge, Anh Quốc. Trong bài bình luận về các tác phẩm của Giáo sư Bạch Vân, Tiến sĩ Graeme Decarie tại Concordia University, Montréal, Gia Nã Đại, nhận xét, “Giản dị, thật là giản dị – và chân thật. Hợp Bùi được diễm phúc hiếm nhất – cảm xúc trung thực.”
Thi sĩ Hàn Mặc Tử vào đề trong một tập thơ của mình, có viết, “Tôi làm thơ, nghĩa là tôi yếu đuối quá, tôi bị cám dỗ. Tôi đã phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, tim tôi đều hết sức giữ bí mật.” Không có nghĩa cá nhân của những người làm thơ đều thành thật, nhưng ít nhất họ phải thành thật thì lời thơ mới có hồn. Ai càng có nhiều bí mật thì càng thêm mệt xác. Phải trút hết nỗi lòng thì tâm trí mới được nhẹ nhàng. Thơ của T. T. Kh. được nhiều người thích, không phải vì giá trị văn chương, mà là vì lời lẽ thoát ra tự đáy lòng:
Nếu không im được thì tôi chết.
Đêm hỡi làm sao tối thế nầy?
Sách Thi thiên 15:1, 2, BDM, mô tả phẩm hạnh được Chúa chấp nhận: ấy là người làm điều công chính và nói chân thật trong lòng mình. “Lạy Chúa, ai sẽ trú trong đền tạm Ngài? Ai sẽ ngự trên núi thánh Ngài? Ấy là người bước đi ngay thẳng, làm điều công chính và nói sự thật trong lòng mình.” Những lời nói ngay thẳng, thật tình, không bưng bợ môi miếng, lắm khi trái tai người nghe; nhưng nếu người nghe chịu nghe theo thì có lợi cho họ.
Những đức tính ngay thẳng, chính trực là phương tiện hữu hiệu để làm chứng cho Chúa. “Hãy sống một cuộc sống lương thiện giữa những dân ngoại . . . họ sẽ thấy các việc lành của anh chị em mà tôn vinh Đức Chúa Trời. Hãy sống như những người được tự do, nhưng đừng dùng sự tự do của anh chị em để che đậy điều ác; hãy sống như đầy tớ của Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2: 12, 16, BDM). Những người láng giềng, những kẻ ngoài đường phố thường biết chúng ta trước khi biết Chúa.
Sách Lu-ca 8:4-15, nói về ý nghĩa bài ngụ ngôn về Người Gieo Giống. Và hột giống ở đây là Lời Đức Chúa Trời. Có bốn phần hột giống:
1. Phần rơi ra dọc đường, là những kẻ đã nghe đạo; nhưng về sau ma quỉ đến, cướp lấy đạo từ trong lòng họ, e rằng họ tin mà được cứu chăng.
2. Phần rơi ra đất đá sỏi, là kẻ nghe đạo, bèn vui mừng chịu lấy; nhưng họ không có rễ, chỉ tin tạm mà thôi; nên khi bị thử thách xảy đến, thì họ tháo lui.
3. Phần rơi vào bụi gai, là những kẻ đã nghe đạo, nhưng rồi đi, để cho sự lo lắng, giàu sang, sung sướng đời nầy làm cho đạo phải nghẹt ngòi, đến nỗi không sanh trái nào được chín.
4. Song phần rơi vào nơi đất tốt, là kẻ có lấy lòng thật thà tử tế nghe đạo, gìn giữ, và kết quả một cách bền lòng.
Bạn và tôi thuộc về phần hột giống nào?
Đào Thanh Khiết
0 250 3 minutes read