Sự vinh quang (glorification) là giải đoạn thứ ba của lẽ thật Cơ Đốc giáo, sau sự công chính (justification) và sự thánh hóa (sanctification). Ba giai đoạn này được ví như cuộc xuất hành của dân Do Thái.
Dân Do Thái đã làm nô lệ cho xứ Ai Cập sau năm 1740 Trước Chúa (T.C.). Sau 430 năm than khóc, Chúa đã sai Môi-se giải phóng dân Do Thái (1310 T.C.). Một điều kiện trước khi được giải phóng là nếu ai tin, bất kể người có đạo hoặc không có đạo, thì lấy huyết chiên con bôi trên thanh ngang và thanh dọc của cửa nhà thì họ tránh khỏi sự chết khi tai vạ thứ mười đổ xuống xứ Ai Cập (Xuất 12:5-14; I Cô-rinh-tô 5:7). Có nghĩa là ai tin thì được sống. Để thoát khổ nhà nô lệ Ai Cập, họ phải băng qua Biển Đỏ, và đây là tượng trưng cho phép báp-têm (I Cô-rinh-tô 10:1, 2). Đó là giai đoạn thứ nhất: sự công chính bởi đức tin.
Giai đoạn thứ hai là sự thánh hóa. Khi dân Do Thái ở trong đồng vắng, Chúa dạy họ bỏ hết những tập tục xấu của Ai Cập. Chúa khắc cho họ Mười Điều Răn trên hai bảng đá và dạy học theo luật lệ và điều răn dạy của Ngài. Có người cho rằng sự dạy dỗ của Ngài quá nghiêm khắc. Sau khi Chúa tha tội cho người đàn bà tà dâm thì Ngài phán, “Hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:11). Đó có phải là khắc nghiệt không? Không! Sau khi chúng ta được thánh hóa thì chúng ta cần phải bỏ đường lối cũ và bươn theo đường lối mới. Sau 40 năm trong đồng vắng, những ai không làm theo lời Chúa thì chết tại sa mạc, và những ai làm theo lời của Chúa thì bước vào miền đất hứa. Cho nên, “nhờ việc làm mà đức tin được trọn vẹn” (Gia-cơ 2:22). Đó là giai đoạn thứ hai: sự thánh hóa bởi sửa đổi (tuân giữ).
Giai đoạn thứ ba là sự vinh quang. Dân Do Thái bước vào đất hứa năm 1270 T.C.; đó là ngày sự vui mừng nhất cho họ vì họ đã mong chờ khá lâu. Ngày nay có hơn 2000 người tị nạn còn kẹt lại Phi Luật Tân, lưu lạc khắp nơi trên xứ lạ quê người. Họ là những người bất hạnh, vô quốc gia, vô gia cư. Họ chỉ mong đợi một quốc gia nào đó bảo trợ họ. Chúng ta cũng như thế; “xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất” (Heb 11:14). Kinh Thánh nói chúng ta “như người ở trọ” (I Phi-e-rơ 2:11). Thế gian này không phải quê hương của chúng ta; chúng ta “đim tìm nơi quê hương” vĩnh cửu, “tức là quê hương ở trên trời” (II Cô-rinh-tô 3:18; Hê-bơ-rơ 11:16). Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta rằng là “chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi-líp 3:20). Chúng ta chờ đợi Chúa Giê-su trở lại rước chúng ta về thiên quốc (Giăng 14:1-3) Đó là giai đoạn thứ ba: sự vinh quang khi trông mong.
Khi Marco Polo trở về Venice sau 21 năm ở Trung Hoa. Ông kể lại nhiều chuyện rất lý thú về đất nước này nhưng bạn bè ông không tin nên cho là ông đã mất trí.
Ông nói đã đến một thành đầy bạc và vàng. Ông đã thấy những hòn đá đen có thê cháy đỏ, nhưng bạn ông không tin vì họ chưa bao giờ nghe nói đến than đá. Ông kể những con rắn khổng lồ dài cả chục thước, có miệng lớn có thể nuốt cả một người, nhưng họ chưa từng thấy con cá sấu. Ông nói có những hột đậu lớn bằng đầu người, nhưng họ cũng chưa bao giờ thấy trái dừa khô. Thiên hạ cười nhạo khi nghe những chuyện đó. Nhiều năm sau, khi Marco sắp chết, một người thân tín đến bên giường thúc giục ông rút lại những câu chuyện hoang đường ông đã kể. Marco từ chối, “Tất cả đều đúng hết. Thật ra, tôi mới kể có phân nửa thôi.”
Các nhà chép Kinh Thánh chỉ có thể tả cho chúng ta một phần nào cảnh thiên đàng. Trong sự hiện thấy họ chiêm ngưỡng một nơi rất đẹp đẽ và sáng láng. Họ chỉ có thể miêu tả một phần nào những điều họ thấy. Ngôn ngữ loài người không đủ để diễn tả sự tốt đẹp của Đất Mới và Thành Thánh. Như Marco Polo nói, “tôi mới kể có phân nửa thôi.”
Theo Kinh Thánh, thiên đàng là một nơi có thật, vượt quá mọi mơ ước, đẹp hơn tất cả những mộng ước đẹp nhất của chúng ta. “Như có chép rằng, ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài” (I Cô-rinh-tô 2:9).
Nếu bạn chiêm ngưỡng và hằng mơ đến đất ấy thì bạn sẽ sẵn sàng chờ Chúa trở lại đem bạn về trời.
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
0 233 4 minutes read