Trong một buổi gặp gỡ thân hữu, sau ngày Father’s Day, chúng tôi có một câu hỏi: “Anh đã làm gì, được gì trong ngày đặc biệt ấy?” Ða số các ông trả lời được con tặng quà, con mời đi nhà hàng ăn. Một anh bạn hãnh diện:
— Sáng thức giấc chưa bước xuống giường, các con tôi đã mang cho tôi khay thức ăn gồm đủ bánh mì, cà phê thật là sung sướng quá!
— Còn bác Tỵ thế nào?
Ông bạn già của tôi chậm rãi kể một chuyện ngược đời:
— Hôm ấy tôi thức thật sớm để nấu cho ba đứa con tôi nồi bún bò mà chúng ưa thích nhất. Tôi ra vườn cắt một bó bông lily trắng đem vào phòng cho con gái út tôi, nó cũng mới vô đại học rồi đấy. Các con tôi cần nhiều thì giờ để học, nên tôi dành làm hết mọi công việc nhà. Chờ chúng nó thức, tôi làm giường, dọn dẹp phòng của chúng. Rồi gia đình tôi cùng ăn trưa. Tôi vui lắm vì con tôi khen: không ai nấu bún bò ngon bằng bố.
Một chị bạn sốt ruột hỏi:
— Thế nó có cho bác quà gì không?
— Có chứ, chúng mời tôi đi nhà hàng sang trọng ăn cơm, nhưng tôi sợ tốn tiền của con. Tôi bảo đi ăn phở được rồi, vì bố thích phở.
Ai cũng cười ông già lẩm cẩm. Bác còn nói thêm:
— Tôi lo cho con đâu có bằng ông bố của cô Sarah. Ông ấy hưu trí rồi. Trưa nào cũng tự tay nấu thức ăn nóng đem đến hãng ngồi nhìn con gái ăn ngon lành. Cô ấy đã ba mươi tuổi rồi chứ ít sao! Quý vị đừng cười, cũng có nhiều người giống như tôi vậy, chỉ vui là khi mình được cắt cỏ, hút bụi, dọn dẹp giúp chúng nó. Chỉ sợ là nó không cho tôi cơ hội để săn sóc chúng nó suốt đời mà thôi.
Lời nói của bác Tỵ đã âm vang trong tâm hồn tôi: Nỗi vui sướng của một người cha khi “cho” con, và mơ ước được con nhận lấy tấm lòng của mình. Tôi chợt suy ngẫm lại những ngày xưa còn bé, tôi được ba tôi cưng chiều, và sẵn sàng mua cho tôi bất cứ những gì tôi ưa thích. Nhưng tôi đã dại khờ không biết vui vẻ đón nhận quà tặng của ba tôi. Chỉ vì tính tôi không hề muốn làm phiền đến người khác, dù đó là cha mẹ của mình. Con người tôi lạnh lùng, khô khan. Tôi chưa từng ôm hôn ba tôi và nói một lời “con thương ba”, mặc dầu trong tim tôi có biết bao yêu thương lắng đọng. Chỉ riêng tôi e thẹn như thế? Hay đó là bản tính chung của đa số người Việt Nam thường hay che dấu những cảm xúc trong lòng mình, mà ít ai muốn tỏ bày cho mọi người nhìn thấy?
Tôi đã nhiều lần từ chối sự quan tâm, lo lắng của ba tôi. Mỗi khi tôi đi thi, ba tôi đều thu xếp công việc, lên Sài Gòn đưa rước tôi suốt mấy ngày. Nhưng tôi lại không muốn ông vì tôi mà cực nhọc như vậy. Cho nên sau này đến ngày thi, tôi lại giấu nhẹm, khiến ông phải tự tìm biết, và rồi lại lặn lội lên Sài Gòn như là chính ông đi thi vậy.
Sau năm 75, gia đình tôi chuẩn bị đi vượt biên. Quê tôi ở miền biển có thể đi dễ dàng, nhưng vì chờ đợi tôi, mà gia đình tôi đã lỡ mất bao cơ hội. Tôi không đành lòng, nên nhiều lần khuyên ba tôi cứ ra đi khi thuận tiện, đừng vì tôi mà kẹt lại cả nhà. Ông đã viết thư cho tôi rằng: “Bất cứ giá nào ba cũng chờ đợi con.” Tôi đã khóc ngất ngây bên cạnh những hàng chữ của ba tôi, nét mực nhạt nhòa theo từng dòng lệ hạnh phúc.
Và rồi cha con tôi đã có một kỷ niệm khó quên. Chính ông đã đưa tôi đi qua đoạn đường hiểm nguy, đầy bất trắc để tới ghe vượt biên. Tôi và ba tôi là hai người sau cùng bước xuống ghe, để lại bắt đầu cho một chuyến đi gian nan, phó mặc cuộc đời mình giữa lòng biển dữ.
Bây giờ tôi tự nhủ sẽ không từ chối tấm tình của ba tôi nữa. Tôi đến bên ông mỗi khi ông cần. Tôi cảm thấy thời gian không còn nhiều để cho tôi được hoài gặp gỡ và ăn những bữa cơm chung với ba tôi. Tôi sẽ phải cố gắng hết sức mình, dành thời gian cho ba tôi trong lúc ông còn sống. Ðể mai này tôi không phải đem hoa vào nghĩa trang, ngồi cả buổi bên nấm mồ vô tri mà nhỏ lệ khóc thương cha.
Hồ Thị Kim Hoàn
June 97