Ngày 5 tháng Giêng, năm Canh Tuất 1970. Tôi tập trung lại trí nhớ, trong buổi đầu Xuân nhàn hạ, viết lại những ngày qua, những kỷ niệm không thể lãng quên trong tâm khảm, những ngôi nhà thời thơ ấu mà tôi đã ở, từ khi nhỏ tới nay đã ngoài 40 năm.
Năm 1922 tôi ở Hà Nội với cha mẹ và anh Trần Quang Bính. Cha đi làm, mẹ ở nhà, anh đi học. Thuở ấy tôi lên sáu, thích chơi với cây bàng trước nhà; cây bàng cao mỗi khi gió lớn lay động những trái bàng vàng nghệ rơi lộp bộp. Tôi mừng lắm, dấu mẹ ra nhặt ăn vội vàng . . . vì sợ mẹ mắng! Đó là căn nhà đầu tiên tôi yêu mến.
Năm 1924 cha tôi đổi về Bạch Hạc, làm quan thuế ở đấy. Bạch Hạc gần tỉnh Việt Trì, chỉ cách một con sông Lô. Giòng sông có hai nguồn nước, bên trong bên đục. Anh tôi phải qua Việt Trì học, còn tôi học trường đình làng Bạch Hạc. Đình làng to lớn và đẹp, nhìn ra sông, trong sân có nhiều cây khế ngọt. Thầy dạy học tôi lúc đó là thầy Cử Trịnh Đình Dư. Cha mẹ mướn một căn nhà ở gần sông của một bà góa làm bánh hấp bán. Bà có hai người con trai, anh lớn và anh bé; anh bé 8 tuổi bằng tuổi tôi, tên là Bò. Nhà Bò cách nhà tôi một khoảng sân, có ngõ ra sông, có vườn rau phía trước. Bò và tôi chơi thân với nhau. Nhưng sau cha tôi dọn nhà qua Việt Trì, tôi và Bò chia tay nhau. Bò buồn, còn tôi khóc. Thấy vậy mẹ Bò dỗ, cho tôi cặp bánh hấp.
Năm 1927 cha tôi đổi vào làng Thanh Sơn, ga Cầu Giát, thuộc tỉnh Nghệ An, miền Trung, vùng biển có nhiều cây Phi lao, dân làng sống về nghề làm muối. Chúng tôi ở trong đồn, nhà của chánh phủ, bấy giờ là thời Tây. Nhà cũng khá đẹp, có vườn hoa, có sân, có bếp và có hai cây táo ngọt. Lúc này anh tôi học trường Bưởi ở Hà Nội. Lúc ra ga lên tàu hỏa vào Thanh Sơn, tôi nhớ anh khóc nhiều. Chỉ mong mỗi vụ hè anh về chơi nhà.
Ở Thanh Sơn tôi quen chị Nghệ con ông bà Ký Tư, buôn bán ở bên chợ. Chị Nghệ còn có tên là Nhung. Long, em trai chị Nghệ, thường qua chơi với tôi. Tôi chơi rất thân với Long, Long lớn hơn tôi một tuổi, Long hiền lắm. Long tìm tre đan một lồng chim, tặng tôi lồng chim với bốn con chim Sâu.
Năm 1930 cha tôi lại đổi về Hải Phòng. Một lần nữa tôi phải từ giã Long trong thương nhớ, tôi phải trả lại cho Long lồng chim vì mẹ không cho mang theo. Tôi nhìn căn nhà, nhìn hàng cây, tôi khóc. Lòng ao còn được trở lại, nhưng không bao giờ nữa. . . Hỡi những ngôi nhà thân yêu thời thơ ấu!
Ở Hải Phòng 4 năm, cha tôi đổi ra Móng Cáy. Tôi theo cha đi bằng tàu thủy qua Vịnh Hạ Long, Hạ Long rất đẹp! Từ Hải Phòng tới Tiên Yên, Hòn Gay, Cẩm Phả, đi cả đêm trên tàu. Gần sáng đến Núi Ngọc phải đi đò, tàu đậu ngoài khơi, đò chèo gần 1 ngày tới Móng Cáy. Móng Cáy có Núi Hổ, Sông Mang, qua một nhịp cầu thì tới Đông Hưng. Ở đây 6 năm, tôi có nhiều bạn người Hoa. Tôi nhớ mấy câu thơ:
Mây Sơn Hổ như tuôn nét thảm
Dòng Sông Mang in những tâm sầu
Tâm sầu ai để nặng nhau
Chia ly hẹn một ngày sau trùng phùng.
Nhưng từ ngày xa Móng Cáy dọn về Hưng Yên năm 1936 đến nay, tôi chưa một lần trùng phùng trở lại!
Năm 1938 cha tôi đổi về Thái Bình, căn nhà nầy là căn nhà kỷ niệm tôi đi lấy chồng năm 1940. Từ năm 1940 đến năm 1949 tôi đã sống trong nhiều căn nhà khác nhau. Tôi nhớ nhà ở Lạng sơn, Lạng Sơn rất đẹp, có Cầu Kỳ Cùng, có Động Tam Nhị Thanh, có Núi Nàng Tô Thị. Rồi chạy giặc . . . rồi tản cư. . . Nhà tan cửa nát vì chiến tranh!
Năm 1950 mẹ con tôi đi lượm gạch ở những nhà bỏ hoang, về lấy đất, hòa nước, trát lên làm tường; nóc lợp rạ. Ngôi nhà tuy đơn sơ nhưng tình cảm trọn vẹn. Tôi muốn giữ mãi hình ảnh ngôi nhà này, như mấy câu thơ của một thi sĩ:
Tôi muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi.
Năm 1952 gia đình tôi đi vào Nam. Tôi tin nhận Chúa, chúng tôi sống ở Sài Gòn rồi Phú Nhuận. Năm 1964 tôi hầu việc Chúa trong ngành giáo dục, sống trong khuôn viên của Trường Cơ Đốc. Tôi cảm ơn Chúa nơi đây, Chúa ban cho tôi hưởng mọi sự thiên nhiên, có cỏ dài, trăng lộng, gió thoảng, mây cao, nắng sớm, mưa chiều. Những mong ở đất như trời, dứt bỏ tâm tình vị kỷ, sống dưới sự bẻ trách, sửa trị, thử thách của Ngài. Lúc nào tôi cũng tạ ơn và nhớ bài học, “Hãy lấy điều mình có làm đủ” (Hê-bơ-rơ 13:5).
Nhờ sự tằn tiện dành dụm của gia đình, sự giúp đỡ của ông Hội trưởng Bretch cho 500 bao xi-măng, chú Lý Bá Tý cho sắt, mẹ cho vay 5 chỉ vàng, năm1971 chúng tôi có được một biệt thự xinh xắn. Có cổng, có vườn cây ăn trái, có hoa giấy leo, có hồ cá, cây cảnh, có 5 phòng ngủ, 2 phòng khách, phòng ăn và phòng đọc sách trên lầu nhìn ra sân thượng. Đây là căn nhà thứ 31 mà chúng tôi đã thuê người đặt móng, xây tường. Tôi hiểu rằng với đồng lương đơn sơ, không thể nào chúng tôi có được ngôi biệt thự này, đó là sự ban cho của Chúa. Tôi hết sức vui mừng với sự mình có và tạ ơn Ngài không thôi. Tôi ao ước sống nơi đây cho đến khi vào ngôi nhà thứ 32. Tôi hình dung được “ngôi nhà thứ 32” với hình thập tự, bên cây thông xanh, dưới lòng đất mẹ. . . Nơi tôi yên nghỉ chờ ngày Chúa trở lại.
* * *
Nhưng rồi tháng 4 năm 1975, một căn nhà nữa tại Angwin, California, nơi tôi không hề biết, xứ mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Có thể còn có những ngôi nhà khác, nhưng bao nhiêu nhà đi nữa, đối với quãng đời cuối cùng của tôi, không còn ý nghĩa trên cõi tạm nầy. Tôi mong chờ một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời với Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:16). Tôi không phải xa Bò, không từ giã Long, không lìa cách bạn.
Không còn chia ly để mong ước một ngày trùng phùng
Không phải tắt nắng cho màu đừng nhạt mất
Không cần buộc gió lại cho hương đừng bay đi.
Lý Minh Hạnh
(Tường thuật những căn nhà của mẹ)
0 233 5 minutes read