“Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật” (I Giăng 3:18).
Nhiều năm trước, đôi vợ chồng trẻ nọ đã thuật lại câu chuyện về một góa phụ già nua không còn ai thân thiết. Bà cụ ở cạnh nhà họ và hai người thường mời bà qua dùng chung bữa tối. Vào một buổi chiều lạnh giá của Bắc Âu, người vợ thấy bà cụ đẩy xe rác tới bãi rác của khu phố, nhưng không thấy bà quay về. Hai vợ chồng bắt đầu lo lắng và thu xếp công việc để đi tìm bà.
Cuối cùng họ tìm thấy bà ta ở cạnh một đống phế liệu, đang ngồi trên chiếc xe cút kít, đầu gục xuống, bất chấp tuyết rơi mỗi lúc một dày—một hình ảnh của sự tuyệt vọng. Người chồng chạm vào vai bà cụ và nhẹ nhàng lay bà. Cụ già ngẩng đầu lên và đôi môi mấp máy, “Anh chị chính là sự đáp ứng của Chúa cho lời cầu nguyện của tôi. Tôi vừa nói với Ngài rằng ở đây tôi cô đơn quá, không biết làm sao có ai biết mà cứu tôi trong lúc nầy, rằng chỉ có Ngài lo cho tôi mà thôi, ngoài ra chẳng còn ai cả. Nhưng Ngài đã cho tôi biết rằng vẫn còn vợ chồng anh thương yêu và tìm kiếm tôi.” Hai vợ chồng nhanh chóng đưa bà về nhà, sưởi ấm cho bà và họ cùng nhau ăn bữa tối.
Ai cũng dễ xúc động khi thấy cảnh thương tâm. Đó là một trong những ơn phước còn lại ở bản chất loài người, một điều may mắn khi chúng ta còn có lòng trắc ẩn! Nhưng để thúc đẩy lòng thương xót đi xa hơn nữa bằng những hành động cụ thể, chấp nhận mất thời gian, tốn kém tiền bạc, tiêu hao sức lực. . . vì những người nghèo khổ trong xã hội, thì thật có rất ít người. Cơ Đốc giáo thật xa lạ với loại tình thương trên môi miếng, và nếu hội thánh nào dung dưỡng loại tình yêu đó thì nơi ấy đang gặp đại họa. Chúa Cứu Thế đã ngán ngẩm cái bề ngoài đạo đức của hàng giáo phẩm Do Thái giáo, những con người “đọc lời cầu nguyện cho dài mà nuốt nhà đờn bà góa” (Ma-thi-ơ 23:14) vì thế Ngài trông cậy ở chúng ta, những người phải biết yêu thương bằng việc làm và lẽ thật.
Mục sư Dương Quang Thoại,
Chấp Cánh Cho Tâm Hồn Bay Cao,tr. 29.