Uyên ương là giống chim két, lông vàng mà có vè, đầu hồng, mỏ biếc, cánh và đuôi đen, chân đỏ, ở cổ có lông trắng dài thòng xuống đến đuôi. Uyên là con trống, ương là con mái, luôn luôn bay từng cặp, chẳng bao giờ rời nhau. Con trống và con mái gác cổ nhau khi nằm. Nếu một con chết hay bị bắt, con kia tương tư mà chết theo.
Khi cặp vợ chồng mới cưới, họ hàng thân quyến thường dùng câu “uyên ương vĩnh kiết thiên niên hảo” để chúc lành tân lang và tân giai nhân ăn ở với nhau tốt đẹp lâu dài như đôi uyên ương. Người ta cũng dùng chữ bạn đời để ám chỉ đôi vợ chồng yêu đương khăng khít dài lâu, nhường nhịn và giúp đỡ nhau như đôi bạn.
Những người không có bạn đời cũng cần tìm bạn để an ủi, chia xẻ vui buồn hơn là lê bước trên đường đời trong nếp sống cô đơn. Hàng chục cuộc nghiên cứu tại Hoa Kỳ, Na Uy và Nhật Bản đã xác nhận sự ích lợi của tình bằng hữu trong sức khỏe, như: giúp ích cơ thể có cơ hội thoát khỏi các bệnh hiểm nghèo, tăng cường sức kháng sinh, nâng cao tinh thần, sống lâu hơn những người cô độc. Năm 2000, các nhà nghiên cứu Thụy Điển nhận thấy giữa 1200 người cao tuổi, những người có mối tương giao thỏa đáng với bạn bè 40% ít bị bệnh tâm thần hơn là những kẻ cô độc hoặc có mối tương giao không thỏa đáng với bạn bè.
Ai cũng cần có bạn để giúp đỡ nhau khi cần thiết. Kinh Thánh khuyên chúng ta, “Chớ từ bỏ bạn. . . Lúc hoạn nạn đừng lo kiếm anh em họ hàng, vì láng giềng gần hơn họ hàng ở xa” (Châm ngôn 27:10, BDY). Trong tình bằng hữu, luôn luôn giữ lòng chung thủy với nhau. “Tình thân hữu keo sơn mãi mãi, nghĩa anh em quý lúc khổ nguy” (Châm ngôn 17:17, BDY).
Chính Đức Chúa Giê-su đã chọn chúng ta làm bạn, vì Ngài đã thổ lộ cho chúng ta biết những điều răn dạy từ Đức Chúa Trời, để giúp chúng ta rõ đường chánh nẻo tà. “Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy thì các ngươi là bạn hữu ta. Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm; nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta đã từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều mà ta đã nghe nơi Cha ta” (Giăng 15:14, 15).
Điều cao quý nhất trong tình bằng hữu là thương yêu và hy sinh cho nhau. Đức Chúa Giê-su phán, “Các ngươi hãy yêu nhau như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:12, 13). Ngài đã chết trên cây thập tự để chuộc tội cho chúng ta, để chúng ta có sự sống đời đời. Chúng ta có thể trút tất cả gánh nặng cho Ngài. Ngài là người bạn vĩnh cửu của chúng ta.
Đào Thanh Khiết
0 229 2 minutes read