Trong quyển Cái Cười Của Thánh Nhân, nhà văn Saddharma Punduri thuật chuyện một anh mù tự phụ. Có người kia sinh ra đã mù. Sống trong một gian phòng, nhưng vì anh không thấy gì cả, nên anh phủ nhận tất cả những gì người chung quanh quả quyết là có, “Tôi không tin, vì tôi không thấy.”
Một vị lương y đem lòng thương hại, đi tìm cho ra thứ linh dược trên núi về trị cho anh lành bệnh. Anh ta sung sướng tự phụ nói, “Giờ đây tôi thấy được tất cả mọi vật chung quanh tôi rồi!”
Nhưng có người bảo anh ta, “Bạn ơi! Bạn chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng nhỏ này thôi, nhưng có là bao! Ngoài kia, còn có mặt trời, mặt trăng, cùng các tinh tú hằng hà sa số. Còn biết bao bông hoa đẹp đẽ, màu sắc lộng lẫy huy hoàng mà bạn chưa thấy.” Anh chàng không tin. “Làm sao có được những cái đó. Tôi không thấy những vật đó, nên tôi không tin.”
Trên đây là một chuyện ngụ ngôn nhằm răn dạy những kẻ phủ nhận những gì mắt mình không thấy.
Những người vô thần thường hỏi, “Làm sao tôi tin Trời dựng nên trời đất trong khi tôi chưa từng thấy Ngài bao giờ cả?” Chúng ta biết rằng mọi vật đều có nguồn gốc, có khởi điểm. Hãy lấy một vật trong nhà như cái ghế để làm ví dụ. Cái ghế tự nhiên mà có chăng? Nó có thình lình xuất hiện trong nhà không?
Bạn trả lời, “Không, tôi mua nó ở tiệm bán đồ gỗ.”
Song cái ghế từ đâu mà có?
Bạn đáp, “Hẳn nhiên người thợ mộc làm nên.”
Bạn có thấy người thợ mộc ấy không?
Bạn đáp, “Không.”
Sự kiện có chiếc ghế chứng minh rằng có người làm nên chiếc ghế. Nếu không, thì đã không có chiếc ghế. Mọi vật thọ tạo đều có Đấng Sáng Tạo.
Không một máy bơm nào có thể so sánh với trái tim của con người. Không một màng lưới điện toán nào có thể ngang hàng với hệ thống thần kinh của chúng ta. Không một máy truyền hình nào hữu hiệu như cặp mắt, đôi tai, hay giọng nói của con người. Không một hệ thống điều hòa không khí nào có thể làm việc được như hai lỗ mũi, làn da, hay bộ máy hô hấp của chúng ta. Không một hãng xưởng nào có thể so sánh được với lá gan, điều hành tới năm trăm công việc khác nhau. Sự phức tạp của thân thể con người với những bộ phận khác nhau trong thân thể chúng ta là “công trình” lạ lùng của Ngài. Sự huyền diệu của thân thể con người cho ta biết phải có Đấng Tạo Hóa.
Khi nghiên cứu về nguồn gốc của muôn vật, người ta tự hỏi thế giới có thể ngẫu nhiên mà có chăng? Không thể được! Khi chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên—những đóa hoa đầy hương sắc, những cây cao hùng vĩ, những đồng cỏ xanh tươi, những chim hót líu lo—chúng ta không thể phủ nhận sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa. Thiên nhiên bày tỏ Đấng tạo hóa.
Nhiều khoa học gia ngày nay tin vào Đức Chúa Trời. Tiến sĩ vật lý Arthur Compton, được giải thưởng Nobel, bình luận như sau, “Đối với tôi, đức tin bắt đầu khi tôi ý thức rằng có một Đấng Toàn Năng tạo nên vũ trụ và loài người. Vì nơi nào có chương trình thì phải có một tác giả tạo nên nó. Một vũ trụ có trật tự, diệu kỳ chứng minh có Đấng Tạo Hóa.” Kinh Thánh chép, “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng thế Ký 1:1).
Với tâm hồn chất phác, người Việt Nam từ ngàn xưa đã tin có Trời, và đối với họ, Trời là Đấng Tạo Hóa: “Trời sinh Trời dưỡng, Trời sinh voi sinh cỏ.”
Trong thập niên 1990, hằng triệu khoa học gia ở Liên Sô từ bỏ thuyết vô thần và quay về với Đức Chúa Trời. Một giáo sư đại học ở St. Petersburg tuyên bố một câu tiêu biểu cho những người vô thần đã hoán cải, “Tôi đã tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời trong các công trình nghiên cứu khoa học, nhưng không thấy điều gì đáng tin cậy. Nhìn lên vũ trụ bao la khi nghiên cứu về thiên văn học, và sự trống rỗng trong tâm hồn, tôi cảm thấy rằng đời sống phải có ý nghĩa gì. Rồi, khi tôi nhận được quyển Kinh Thánh và bắt đầu đọc, khoảng trống trong tôi được lấp đầy. Tôi đã chấp nhận Đức Chúa Giê-su là Cứu Chúa, và đã tìm được sự bình an và thỏa mãn thật sự trong cuộc đời.”
Trong thâm tâm, mỗi người đều khát vọng về Chúa. Khi chúng ta nghe theo ước vọng ấy mà tìm Chúa thì sẽ gặp Ngài. Chúa sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu và khát vọng của chúng ta. Kinh Thánh có chép, “Hãy tìm, sẽ gặp” (Ma-thi-ơ 7:7).
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
0 321 4 minutes read