Theo Triết gia Esope, một nhà làm thơ ngụ ngôn nổi tiếng nhất ở Hy Lạp vào giữa khoảng thế kỷ thứ VI và VII trước Tây lịch, cái lưỡi rất tốt mà cũng rất xấu nhất trên đời. Tương truyền khi còn làm nô lệ, ông được chủ sai ra chợ mua thức ăn tốt và ngon nhất. Ông mua toàn thịt lưỡi đem về làm thức ăn. Người chủ lấy làm lạ, hỏi ông lý do. Ông đáp: “Lưỡi là cái chìa khóa của tất cả những lý lẽ, của sự thật. Nhờ nó mà con người được địa vị cao sang, được nhiều người khác kính nể, trọng vọng.”
Muốn thử ông, người chủ lại sai ông ra chợ mua thức ăn nào xấu và dở nhất về nấu. Lần nầy, ông cũng mua toàn thịt lưỡi nữa. Người chủ lấy làm ngạc nhiên, hỏi tại sao lại mua thịt lưỡi nữa. Ông đáp: “Nếu nói về cái quý thì không gì quý hơn lưỡi, nhưng tìm cái xấu thì không gì xấu hơn lưỡi. Chính cái lưỡi đã khiến cho con người ưa tranh biện, gây chia rẽ, vu cáo, nói những điều bất nghĩa, bất nhân.”
Dùng theo nghĩa rộng, lưỡi là nguồn gốc của sự điêu ngoa, giả dối. Ngạn ngữ có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.” Trái lại, ca dao cũng có câu:
Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Kinh Thánh dạy chúng ta dùng lời nhân ái để đối đãi tử tế với mọi người. “Mở miệng ra cách khôn ngoan, phép tắc nhân từ ở nơi lưỡi” (Châm ngôn 31:26). Lời nói của những con dân Chúa tất nhiên phản ảnh sự thông sáng của họ. “Miệng người công bình xưng điều khôn ngoan [thông sáng], và lưỡi người nói sự chánh trực” (Thi thiên 37:30).
Muốn được như vậy, chúng ta hãy cầu xin Đức Thánh Linh hướng dẫn để có thể làm lại sự giáo dục của mình theo đường lối công bình của Đức Chúa Trời. “Nguyện lưỡi tôi hát xướng về lời Chúa; vì hết thảy điều răn Chúa là công bình” (Thi thiên 119:172). “Lưỡi tôi sẽ thuật công bình Chúa, và trọn ngày ngợi khen Chúa” (Thi thiên 35:28). Luận về sự giáo dục cái lưỡi, Ellen G. White nói: “Cái lưỡi cần phải được giáo huấn và khép vào kỷ luật và rèn luyện để nói lên sự vinh quang của Thiên đàng, để thốt lên tình yêu không thể nào sánh được của Đức Chúa Giê-su” (Letter 28, 1890).
Chúng ta hãy công nhận Giê-su là Chúa của đời mình. “Mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-su Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời , là Đức Chúa Cha” (Phi-líp 2:11). Và hết lòng ca ngợi Ngài. “Miệng chúng tôi đầy sự vui cười, lưỡi chúng tôi hát những bài mừng rỡ” (Thi thiên 126:2). Vì chúng ta là những con dân trong Chúa, với niềm hy vọng hạnh phúc. “Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi và là Đấng cứu chuộc tôi, nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài” (Thi thiên 19:14).
Đào Thanh Khiết
0 302 2 minutes read