Giận dữ là một trong tám xúc cảm của sự căng thẳng thần kinh. Giận dữ không những chỉ hại đến chính mình mà còn ảnh hưởng đến quần chúng. Có bao giờ chúng ta bực mình trong khi lái xe gấp đi làm mà bị xe đằng trước cản trở, hay tức giận khi ông xếp dồn thêm việc làm, hay đóng cửa xe cái rầm cho hả giận, hay về nhà mắng chửi vợ con, gặp con chó thì đá con mèo thì la. Nếu chúng ta ở trong tình trạng như thế tức là chúng ta đang giận dữ. Sau đây là hậu quả của sự giận dữ và phương pháp kiềm chế sự tức giận.
Hậu quả của sự giận dữ
Bác sĩ chuyên về thần kinh Walter Cannon tại Đại học Harvard cho biết những triệu chứng khi một người tức giận: khuôn mặt họ đỏ hồng, bàn tay nắm chặt, hơi thở mạnh hơn, tim đập nhanh hơn, áp huyết gia tăng, v.v. Khi con người giận thì bực tức và thấy mọi việc điều trái ý. Tục ngữ có câu, “No mất ngon, giận mất khôn.”
John Hunter là người đầu tiên khám phá và mở mang ý kiến mới trong ngành giải phẫu. Một bác sĩ tài ba lỗi lạc lúc nào cũng thiết tha chia xẻ sự phát minh cho mọi người. Một ngày nọ, ông thuyết trình trước hội đồng bác sĩ. Sau đó có người phê bình ý kiến của ông. Ông tỏ ra sự khẳng định với người ấy. Sự bất hòa trở thành sự đối chiếu. Khuôn mặt ông nóng đỏ vì đầy lòng giận dữ. Trong lúc ông giơ tay lên phản đối kịch liệt với đối phương thì lúc đó ông ngất xỉu và té xuống sàn vì bị suy tim.
Đừng để giận hờn trong lòng, chỉ làm khổ thân ta. Ai giận dữ chứng tỏ họ là người yếu đuối. Cho nên chúng ta hãy tìm cách kiềm chế sự giận dữ của mình và xoa dịu cơn nóng giận của người khác.
Kiềm chế sự giận dữ
Sống trên đời thêm bạn bớt thù là điều tốt nhất. Kinh Thánh dạy, “Chớ có lòng ghen ghét anh em mình” (Lê-vi Ký 19:17). Sau đây là bốn phương thuốc để kiềm chế sự giận dữ.
Thời gian. Trong những ngày đen tối của nội chiến Hoa Kỳ, sự xáo trộn đã xảy ra tại tòa Bạch Ốc. Những điều đại tướng đã làm không được Tổng thống Lincoln và Bộ trưởng Stanton chấp thuận, nhưng tổng thống suy nghĩ đắn đo; ngược lại, Stanton nổi giận đùng đùng. Một ngày nọ Stanton đến gặp Lincoln để trình bày việc đại tướng đã làm. Tổng thống ngồi yên lặng và nghe Staton bày tỏ sự giận dữ. Sau đó Stanton hỏi tổng thống, “Tôi có nên viết thư để nêu ra sự chống đối của tôi?” Tổng thống nhận xét, “Hãy ngồi xuống và viết tất cả những gì anh đã trình bày cùng tôi.” Sau hai ngày, Stanton đến đọc thư đã viết cho tổng thống nghe. Tổng thống mỉm cười và hỏi, “Anh viết được lắm, và bây giờ anh muốn làm gì với lá thư này?” Stanton ngạc nhiên trả lời, “Dĩ nhiên tôi gửi nó đi.” Tổng thống nói, “Tôi không làm như vậy. Hãy liệng bức thư vào thùng rác.” Stanton bực tức, “Tổng thống nói chi, tôi đã tốn hai ngày trời.” Tổng thống quyết định, “Đúng. Anh đã mất hai ngày để viết và nó giúp ích lắm. Bây giờ anh cũng thỏa lòng, như vậy đủ rồi.” Sau khi Stanton liệng bức thư vào thùng rác thì đã học được bài học quý giá. Nếu ai để thời gian hàn gắn thì cơn giận sẽ nguội dần.
Im Lặng. Giữa đêm khuya dân Do Thái và quân lính La Mã bắt Đức Chúa Giê-su và sau đó đưa Ngài đến tòa án La Mã. Họ không có một lý do gì chính đáng để bắt Chúa, chỉ vu cáo Ngài và đánh đập Ngài, nhưng Ngài lặng thinh vì biết rằng nói ra không ích lợi. “Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên con câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng” (Ê-sai 53:7). Chúng ta không nên đối địch với những ai giận dữ.
Tránh đối chọi. Những người lãnh đạo nghịch cùng Chúa khi thấy Ngài giảng đạo và chữa bệnh. Họ ganh ghét vì dân chúng theo Chúa mà không theo họ. Họ tức giận “. . . lấy đá đặng quăng vào Ngài; nhưng Đức Chúa Giê-su đi lén trong chúng” (Giăng 8:59). Chúa dạy chúng ta hãy tránh xa những người nóng giận.
Tỏ lòng yêu thương. Trên đồi Gô-gô-tha, quân lính La Mã đóng đinh vào tay Chúa mà xưa kia hai bàn tay đó đã chữa bệnh và ban phước cho họ. Trên cây thập tự, họ đóng đinh lên chân Ngài mà xưa kia Ngài đã đi trên con đường mòn mỏi để giảng đạo. Họ chửi rủa và sỉ nhục Ngài, nhưng trên thập tự giá Ngài thì thầm, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34). Chúa nhắc nhở chúng ta, “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận” (Châm ngôn 15:1). Người theo Chúa không những không giận hờn, nhưng “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44). Ai có lòng yêu thương thì chẳng hề giận dữ.
Khi chúng ta có tình yêu thương của Đức Chúa Trời, thì Ngài giúp chúng ta xóa bỏ thù hận khỏi lòng chúng ta, và thay vào đó tấm lòng yêu thương. Cho nên chúng ta hãy cầu nguyện thường xuyên để Chúa ngự vào lòng và thay đổi lòng giận dữ trở thành lòng thương xót.
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
0 250 4 minutes read