Câu Chuyện Truyền Giáo

Nói Với Mẹ Rằng… Con Thương Mẹ

Không chỉ người Việt mà thôi, mà cả với mọi người của bất cứ chủng tộc hay văn hóa nào, mở miệng nói với mẹ rằng, “Mẹ ơi con yêu Mẹ,” hay “Má ơi con thương Má” dường như là những lời không dễ nói đối với một người con đã trưởng thành.

Người ta có thể nói những lời yêu đương với người tình, với người vợ hay chồng mình cách tự nhiên; Hay có thể nói những lời yêu thương với các con cái nhỏ bé của mình cách dễ dàng, nhưng người ta không dễ nhìn thẳng vào mắt mẹ mình mà nói lời nồng thắm, ân cần, “Mẹ ơi, con yêu Mẹ.”

Trong truyện ngắn “Bông Hồng Cài Áo,” thiền sư thi sĩ Nhất Hạnh kể lại khi du học tại Nhật Bản, mỗi mùa Lễ Mẹ, ông thấy người ta thường cài một đóa hoa cẩm chướng trên áo mình. Ông tìm biết tại sao thì được giải thích, những người còn mẹ thì vào mùa Lễ Mẹ, người ấy sẽ được cài hoa màu hồng trên áo, còn những ai đã mất mẹ thì cài một đóa hoa màu trắng. Người bạn của thi sĩ giải thích xong điều ấy cho ông, thì cài lên áo ông một đóa hoa màu trắng, vì biết ông không còn mẹ. Đoạn cuối của câu chuyện, Nhất Hạnh nhắn nhủ những người may mắn còn mẹ rằng, “Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên như thế nầy. Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc về, anh hãy vào trong phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi, ‘Mẹ ơi, mẹ có biết không?’ Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi anh, vừa hỏi vừa cười, ‘Biết gì?’ Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ nói, ‘Mẹ có biết là con thương mẹ không?’ Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi cũng có thể hỏi một câu như thế vì người là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong ý thức tình thương bất diệt, và ngày mai mẹ mất anh sẽ không hối hận đau lòng tiếc rằng anh không có mẹ.” Một người con bày tỏ tình yêu thương mình có cho mẹ bằng những hành động dịu dàng, chăm sóc. Nhưng đó cũng chưa đủ, tình yêu cũng cần phải được bày tỏ bằng lời nói. Kinh Thánh nói, “Lời khôn ngoan khiến vết thương lành” (Châm ngôn 12:18). Nói cách khác, chúng ta có thể làm nhiều điều tử tế và lo lắng cho mẹ mình, nhưng hơn nữa, chúng ta phải nói nên lời với mẹ rằng chúng ta yêu bà, chúng ta thật sự cảm kích những điều mẹ đã làm và đã hy sinh cho mình. Món quà vĩ đại nhất mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người là Đức Chúa Giê-su, và món quà quí giá kế tiếp, đó là người mẹ. Người mẹ là một ân phước quí báu mà Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người trên mặt đất. Kinh Thánh đã chứng tỏ điều ấy. Rất nhiều chỗ trong Kinh Thánh đã thường so sánh Đức Chúa Trời giống như một bà mẹ, “Ta sẽ yên ủi các ngươi như người mẹ yên ủi con mình,” (Ê-sai 66:13); hay “Như phụng hoàng phấp phới giỡn ổ mình, bay chung quanh con nhỏ mình, sè cánh ra xớt nó, và cõng nó trên chéo cánh mình thể nào thì một mình Đức Giê-hô-va đã dẫn dắt người thể ấy” (Phục truyền 32:11-12).

Mỗi người con, đừng ngại ngần, đừng mắc cỡ mà hãy nói với mẹ rằng, “Lẽ ra con đã phải quan tâm đến mẹ hơn. Khi còn thơ ấu, con thường chỉ nghĩ đến thân mình, ít khi nào con hiểu được những chông gai, những tranh đấu mà cha mẹ phải vượt qua để mang cho con một nếp sống vô tư không lo lắng. Ngày nay đã trưởng thành, con đã hiểu được những sự hy sinh mà mẹ phải nhận chịu để mang lại sự êm ấm và hạnh phúc cho gia đình. Mẹ ơi, con xin cảm ơn mẹ.” Khi bạn nhìn thật sâu vào mắt mẹ để nói lời thương mến với mẹ mình, hãy hình dung lại người mẹ trẻ ngày nào đã chăm sóc chúng ta khi chúng ta còn thơ dại. Hãy nhớ đến bàn tay mẹ đã nắm lấy tay ta, dìu dắt đi qua những con đường đầy những xe cộ dập dồn; Và chính bàn tay mẹ cũng đã đưa đón chúng ta qua những quảng đường tấp nập hiểm nguy của cuộc đời. Hãy ý thức rằng người mẹ mà bạn đang có, tuy bề ngoài bà vẫn còn trẻ trung, vui tươi, nhưng bên trong bà đã là một người đàn bà đứng tuổi. Mẹ của bạn không còn trong tuổi thanh xuân; Sức khỏe của bà, trái tim, buồng phổi, mạch máu, khớp xương của bà đã làm việc rất nhiều năm rồi, chúng có thể đã mòn, đã cũ; Bạn cần phải nói với mẹ rằng, “Mẹ ơi con thương Mẹ.” Nói với mẹ những lời mà khi bà còn nghe được, khi những lời bạn nói còn làm cho bà mỉm cười sung sướng, cho bà niềm vui và sự thỏa lòng. Hãy nói đi.

Người Mẹ là một niềm phước hạnh mà Chúa đã ban cho mỗi người con. Cũng vậy, làm con, chúng ta cũng phải thật sự là một niềm phước hạnh cho Mẹ mình.

Nguyễn Thị Ngọc Liên

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button