Câu Chuyện Truyền GiáoLời Kinh Thánh

Đức Chúa Giê-su – Cuộc Đời Và Chức Vụ

Đức Chúa Giê-su sinh ra đời vào những năm cuối cùng của một vì vua oai quyền của xứ Giu-đê, Hê-rốt Đại đế. Vua Hê-rốt nầy đã cai trị vùng đất Giu-đê trên 30 năm và ông đã bành trướng và thắt chặt lãnh thổ. Hê-rốt không phải là người gốc Do Thái thuần chủng nhưng ông ta khôn khéo tôn trọng tôn giáo và niềm tin của người Do Thái nên giữ được toàn lãnh thổ không có các cuộc nội loạn.

Khi hay tin có một vì vua mới sinh ra đời tại trong làng Bết-lê-lem, Hê-rốt vì không tin cùng niềm tin của người Do Thái rằng sẽ có một đấng Mê-si (Đấng lãnh đạo do Đức Chúa Trời chọn), nên vua sợ ngôi mình bị chiếm, Hê-rốt đã ra lệnh tàn sát tất cả mọi nhi đồng từ 4 tuổi trở xuống. Lệnh tàn sát ấy đã được ghi lại trong lịch sử của dân Do Thái và cũng đã được tiên đoán cả 600 năm trước. Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ của Ngài đến báo tin cho ông Giô-sép là người cha nuôi của Đức Chúa Giê-su đặng mang gia đình trốn lánh tại xứ Ê-díp-tô. Chỉ ít năm sau thì Hê-rốt Đại đế qua đời. Lúc ấy gia đình cha mẹ Đức Chúa Giê-su mới trở về lại xứ Giu-đê và định cư tại một làng nhỏ nằm trong vùng núi đồi xứ Ga-li-lê tên là Na-xa-rét. Cũng vì vậy mà Chúa còn được gọi là Giê-su Người Na-xa-rét.

Các sách Phúc Âm của Kinh Thánh chỉ kể sơ về ấu thời của Đức Chúa Giê-su cho đến năm Ngài 12 tuổi. Sau đó là các sách Phúc Âm đi ngay vào chức vụ truyền giáo của Chúa năm Ngài 30 tuổi. Nhưng người ta cũng có thể biết sơ về xã hội và môi trường mà Đức Chúa Giê-su đã sống trong những năm thiếu thời và của tuổi thanh niên qua các nghiên cứu của các nhà sử học và xã hội học. Chúa lớn lên ở vùng Ga-li-lê, là một nơi xa thị thành, và dân vùng ấy, trong thời Chúa, rất tuận đạo Do Thái giáo. Cũng như mọi bé trai và thanh niên cùng thời, chắc chắn Đức Chúa Giê-su đã được theo học các trường đạo ở tại nhà hội của làng họ ở. Thời đó ngôn ngữ người Ga-li-lê dùng hằng ngày là tiếng Aramaic (một cổ ngữ đã không còn nữa), nhưng tại các trường, học trò phải học chữ Hê-bơ-rơ để đọc Thánh Kinh; và có thể Chúa cũng biết chút ít tiếng Gờ-réc, là một ngôn ngữ của thương mại thời ấy. Đức Chúa Giê-su học nghề thợ mộc từ cha mình là ông Giô-sép và có thể Ngài đã làm thợ mộc một thời gian tại cơ sở của gia đình.

Sách Lu-ca tóm tắt thời thơ ấu và tuổi thanh niên của Đức Chúa Giê-su rằng Ngài “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.”

Khi Đức Chúa Giê-su được 30 tuổi, Ngài đi đến bên bờ sông Giô-đanh, nơi ấy Ngài có một người anh họ tên là Giăng Báp-tít đã ở trong những bờ rừng dọc bên sông để giảng đạo. Ông Giăng Báp-tít ở trong rừng, ăn mật ong và châu chấu, ông mặc áo da thú và giảng biểu người ta phải biết ăn năn, sửa đổi đời sống vô đạo, mà tìm về lại với sự dạy dỗ của đạo Đức Chúa Trời. Giăng Báp-tít có rất nhiều người theo ông nhưng ông nhắc cho họ biết ông không phải là đấng Mê-si, ông chỉ là kẻ dọn đường cho một Đấng mà ông chẳng đáng để xách giày cho. Những ai ăn năn thì ông làm báp-têm (lễ rửa tội) cho họ ngay tại sông Giô-đanh.

Khi vừa thấy Đức Chúa Giê-su bước đến bên bờ sông, Giăng liền la lên, “Đây đích thực là Chiên Con (con chiên được người Do Thái, theo sự dạy dỗ của Thiên Chúa, là con vật hy sinh phải chết thay cho kẻ phạm tội để chuộc tội cho tội nhân) của Đức Chúa Trời, là Đấng chuộc tội cho thế nhân.” Đức Chúa Giê-su bảo Giăng Báp-tít làm phép báp-têm cho mình. Ông Giăng không muốn vì ông nhìn thấy Ngài là một con người không có tội, không cần phải ăn năn, và không cần phải nhận lễ rửa tội. Nhưng Đức Chúa Giê-su nói Ngài muốn cũng được làm báp-têm như mọi con người trần khác.

Giăng làm báp-têm cho Chúa, và sau khi dìm Chúa xuống nước rồi đỡ Ngài lên khỏi mặt nước, ông nhìn thấy một sự kiện lạ lùng. Từng trời như mở ra, và có Đức Thánh Linh hiện ra giống như chim bồ câu sà xuống trên vai của Đức Chúa Giê-su, và ông nghe có tiếng nói từ trời phán rằng, “Đây là Con Yêu Dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Mác 1:11).

Sau sự tỏ bày ấy của Đức Chúa Trời về mối tương quan của Đức Chúa Giê-su với Thiên Chúa, Đức Thánh Linh đưa đẩy Đức Chúa Giê-su vào trong nơi hoang vu của xứ Giu-đê. Tại đó Ngài đã kiêng ăn 40 ngày và chỉ cầu nguyện mà thôi. Chính trong những ngày ấy, khi thân thể Chúa yếu sức, khi chung quanh Ngài chỉ là hoang vắng và cô đơn, ma quỉ đã đến để cám dỗ Ngài. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã kháng cự các cám dỗ của ma quỉ và Ngài đã dùng lời Thánh Kinh để đuổi nó phải lánh xa.

Trong ba năm trời đi đây đó giảng đạo, Đức Chúa Giê-su còn làm nhiều phép lạ để chữa bệnh cho nhiều người, đuổi quỉ, làm kẻ què bại đi được, làm người mù được thấy, làm người phung được lành, và làm kẻ chết sống lại, và cả làm phép lạ cho 5000 người ăn no đủ. Ngài không chỉ chữa lành sự đau đớn thể xác mà Ngài còn xoa dịu tâm hồn của những người gặp đau thương và chỉ đường cho những kẻ lạc lối. Những điều Chúa làm, Ngài làm bởi lòng thương cảm khi thấy người ta ở trong cảnh buồn đau hay khốn khổ, Ngài không thổi kèn đánh trống cho việc của mình làm.

Với người đồng thời với Ngài, dân chúng xem Đức Chúa Giê-su như một nhà cải cách xã hội, một ân nhân của những kẻ cùng khốn vì Ngài khác với những người giàu có và quyền quí của thời ấy. Với thành phần lãnh đạo và quan quyền, họ xem Ngài là một kẻ dám phá đổ những truyền thống và giai cấp của xã hội, và họ thấy Ngài là nguy hiểm có thể làm dân chúng nổi loạn chống đối lại giai cấp giàu có và tầng lớp lãnh đạo tôn giáo. Vì lẽ đó các nhà dạy luật, giáo sư và lãnh đạo tôn giáo giàu có của thời ấy đã tìm cách để trừ khử Chúa.

Chức nghiệp truyền giáo của Đức Chúa Giê-su thể hiện ba điều:
1) Giảng về một vương quốc của Đức Chúa Trời là Thiên Chúa nhân lành, là một người cha nhân từ luôn luôn mong ước những đứa con lạc mất trong thế gian quay trở về;
2) Dạy đạo lý của Ngài về lòng nhân ái với tha nhân trong cách sống của mình;
3) Thực thi lòng nhân từ của mình qua sự chữa bịnh và cứu giúp những kẻ lầm than trong xã hội.

Đức Chúa Giê-su chỉ giảng dạy được hơn ba năm thì Ngài đã bị những kẻ ghét Ngài mưu sát. Nhưng đạo của Chúa đã được các môn đệ của Ngài giảng truyền ra khắp thế giới. Những người theo đạo Ngài được goi là Cơ Đốc nhân (đến từ chữ Christian, là kẻ theo Đức Chúa Giê-su Christ) ngày nay đến trên 2.3 tỉ người, hay là trên 1/3 nhân số của thế giới.

Đức Chúa Giê-su trong thực thể loài người đã bị giết trên cây gỗ bởi kẻ thù ở thế gian. Nhưng Ngài đã sống lại sau ba ngày trong mộ phần. Và Ngài đã về trời sau 40 ngày trên đất thăm nom các môn đồ. Ngài hứa với họ Ngài sẽ trở lại trong huy hoàng và chiến thắng để làm mới lại địa cầu nầy và diệt hết mọi tàn tích của tội lỗi. Các Cơ Đốc nhân thật sự là những người sống và hành động theo sự dạy dỗ của đạo lý nhân từ của Đức Chúa Giê-su, và họ tin và trông đợi ngày Chúa sẽ trở lại thế gian như Ngài đã hứa.

Ngọc Liên

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button